Filtrar por gênero

Tạp chí kinh tế

Tạp chí kinh tế

RFI Tiếng Việt

Hồ sơ kinh tế nổi bật, kinh nghiệm hoạt động của giới doanh nhân

168 - Thách thức Nhật Bản trở thành một « cường quốc công nghiệp vũ khí »
0:00 / 0:00
1x
  • 168 - Thách thức Nhật Bản trở thành một « cường quốc công nghiệp vũ khí »

    Kết thúc tuần lễ công du Hoa Kỳ, thủ tướng Nhật ra về với khoảng 70 thỏa thuận hợp tác quốc phòng, hoàn thành mục tiêu đưa quan hệ song phương lên hàng « đối tác toàn diện về kinh tế, kỹ thuật và an ninh ». Mở rộng quan hệ quốc phòng với Mỹ là đòn bẩy cho ngành công nghiệp quốc phòng của Nhật vốn đang bị Trung Quốc bỏ xa lại phía sau. Bắc Kinh đứng trước thách thức Tokyo trở thành một nhà máy sản xuất, một kho vũ khí ngay sát cạnh.

    Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida vừa kết thúc chuyến công du Hoa Kỳ từ ngày 10 đến 13/04/2024. Giới quan sát phương Tây đồng loạt đánh giá đây là một chuyến đi lịch sử với hai cột mốc quan trọng là thượng đỉnh song phương tổng thống Mỹ Joe Biden và cuộc họp tay ba với nguyên thủ Hoa Kỳ và tổng thống Philippines, Ferdinand Marcos Jr. tại Nhà Trắng.

    Lần đầu tiên từ Thế Chiến Thứ Hai, Mỹ-Nhật thắt chặt hợp tác quốc phòng « chặt chẽ » chưa từng thấy. Trong những tuần lễ sắp tới Lầu Năm Góc cùng với các bộ Quốc Phòng và Công Nghiệp Nhật Bản đi sâu thêm vào chi tiết cụ thể các chương trình hợp tác, song báo chí tại Washington và Tokyo nói đến « khoảng 70 thỏa thuận hợp tác quốc phòng » đã được thông qua.

    Viễn cảnh Nhật sản xuất vũ khí cạnh Trung Quốc

    Những thỏa thuận nói trên xoay quanh ba trục : Ưu tiên « nâng cao hiệu quả khả năng tương tác » giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản, nghĩa là để các đơn vị của Mỹ tại Nhật Bản bớt phụ thuộc vào bộ tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ đặt tại Hawaii, cách thủ đô Tokyo đến 6.000 cây số.

    Trục thứ nhì là tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực an ninh mạng và chiến lược bảo vệ các cơ sở hạ tầng thiết yếu.

    Vế thứ ba liên quan đến hợp tác trong ngành công nghiệp quốc phòng hai nước. Washington và Tokyo cam kết « cùng nhau phát triển, sản xuất tên lửa, cùng nhau bảo trì chiến hạm và máy bay quân sự của Mỹ tại Nhật Bản ». Ngành công nghệ quốc phòng của hai nước « phối hợp chặt chẽ với nhau hơn » ở nhiều khâu, từ nghiên cứu khoa học kỹ thuật đến khả năng sản xuất những thiết bị trong công nghệ không gian phục vụ cả các mục tiêu dân sự và quân sự… Kết hợp với Mỹ, Nhật Bản khai thác những thế mạnh của mình để trở thành một nguồn sản xuất và cung cấp vũ khí trên thế giới- kể cả cho Hoa Kỳ.  

    Trả lời RFI Việt ngữ, nhà báo Pierre Antoine Donnet nói đến một thỏa thuận có lợi cho cả đôi bên. Ông Donnet từng điều hành các văn phòng của hãng tin Pháp AFP tại Bắc Kinh và Tokyo, và hiện là một cây bút chính của báo mạng chuyên về châu Á, Asialyst : 

    Pierre Antoine Donnet: « Một trong những vế chính của hàng loạt những thỏa thuận quốc phòng song phương là Mỹ -Nhật cùng nhau sản xuất các loại vũ khí thế hệ mới. Đây là điều hoàn toàn mới mẻ đối với cả Washington lẫn Tokyo. Hợp tác quân sự lại càng khắn khít hơn khi đôi bên đồng ý nâng cấp cơ chế chỉ huy quân sự của Mỹ tại Nhật, với một mục đích rõ ràng là đối phó với hiểm họa Trung Quốc. (...) 

    Tôi nghĩ rằng lợi ích ở đây là cả đối với hai phía Hoa Kỳ và Nhật Bản. Hiện tại, nền công nghiệp quốc phòng của Nhật chậm phát triển hơn nhiều so với của Trung Quốc và còn kém cỏi so với một số quốc gia khác nữa. Trái lại, đội ngũ kỹ sư của Nhật được đào tạo và có chuyên môn rất cao. Từ nhiều thập niên qua Nhật Bản luôn dẫn đầu về công nghệ mới. Thành thử khi mà Mỹ, Nhật hợp tác với nhau để cùng chế tạo thiết bị quân sự hay vũ khí thì hai nền công nghiệp này sẽ bổ sung cho nhau, họ sẽ nhanh chóng sản xuất được nhiều và với giá rẻ. Thêm một lợi thế khác nữa là vũ khí sẽ sản xuất trên lãnh thổ Nhật Bản. Điều này cho phép nền công nghiệp quốc phòng của Nhật nhanh chóng phát triển và có nhiều tiến bộ trong một thời gian ngắn. Nói cách khác đây là một thỏa thuận có lợi cho cả đôi bên ».   

    Đành rằng trong thông cáo chung, tổng thống Biden và thủ tướng Kishida cùng nhấn mạnh chủ đích của đôi bên là « tăng cường khả năng răn đe », để bảo đảm Ấn Độ-Thái Bình Dương là một vùng biển « tự do và rộng mở trước những thách thức ngày càng lớn đối với an ninh khu vực ». Nhà báo Pierre Antoine Donnet mục tiêu răn đe đó của Hoa Kỳ và Nhật Bản trực tiếp nhắm vào Trung Quốc.

    Pierre Antoine Donnet« Trong những ngày vừa qua chúng ta thấy rõ tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cùng quyết tâm thiếp lập một liên minh quân sự càng lúc càng chặt chẽ giữa hai quốc gia đồng minh này và cùng với một số nước khác trong vùng Châu Á-Thái Bình Dương để cưỡng lại áp lực đang lớn mạnh từ phía Trung Quốc. Áp lực đó ngày càng rõ nét để trở thành một mối đe dọa về mặt quân sự. (...)

    Một trong những người đầu tiên chủ trương tái vũ trang Nhật Bản là cố thủ tướng Shinzo Abe và như đã biết, ông đã bị ám sát hồi năm 2022. Giờ đây thủ tướng đương nhiệm, Fumio Kishida, khẳng định rằng mối đe dọa xuất phát từ Trung Quốc đã lớn đến mức mà Nhật Bản cần nhanh chóng hiện đại hóa quân đội để có thể đối phó trong trường hợp xảy ra xung đột vũ trang. Chính ông Kishida quyết định đẩy ngân sách quốc phòng của Nhật đang từ 1 % GDP lên thành 2 % trong một thời gian rất ngắn và đây là điều chưa từng xảy ra tại một quốc gia có bản Hiến Pháp chủ hòa như ở Nhật từ khi kết thúc Thế Chiến Thứ Hai năm 1945 ». 

    Từng công tác lâu năm tại Bắc Kinh và Tokyo, Pierre Antoine Donnet không quên yếu tố Philippines trong những tính toán của cả Hoa Kỳ lẫn Nhật Bản như đã được ghi nhận nhân thượng đỉnh ba bên Mỹ-Nhật và Philippines hôm 11/04/2024 vừa qua :

    Pierre Antoine Donnet: «Thực ra thượng đỉnh ba bên Mỹ-Nhật và Philippines quan trọng không kém, vì Biển Đông trải rộng trên diện tích khoảng 4 triệu cây số vuông là nơi mà Trung Quốc không ngừng phô trương thanh thế, lắp đặt các cơ sở quân sự… Đây là một khu vực quan trọng bậc nhất về mặt địa chính trị và là một ngả giao thương quốc tế, mà hàng tỷ đô la hàng hóa đi qua. Những hành vi hù dọa, uy hiếp tàu thuyền Philippines từ hơn một tháng nay là nhằm thị uy, để Manila tách rời khỏi Washington và công nhận Trung Quốc là ông chủ trong vùng biển này. Qua đó Philippines phải thuần phục Bắc Kinh, thuần phục đảng Cộng Sản Trung Quốc »..  

    Chiến lược phát triển công nghiệp vũ khí của Nhật

    Để trở thành « đối tác toàn diện về kinh tế, kỹ thuật và an ninh » của Hoa Kỳ, Nhật Bản đã có những bước chuẩn bị dài hơi : tháng 12/2023 chính quyền Fumio Kishida thông qua ngân sách quốc phòng hơn 50 tỷ đô la cho giai đoạn 2024-2025, tăng 17 % so với một năm trước đó.

    Tokyo từ 2022 trong hai tài liệu về Chiến Lược Quốc Phòng và Chiến Lược An Ninh Quốc Gia đã đề ra mục tiêu dành đến 2 % GDP cho các chi phí quân sự mà chủ yếu là « tăng tốc hiện đại hóa quân đội » như vừa nói có nghĩa là, thiết kế tàu chiến thế hệ mới, trang bị hệ thống tên lửa chống hạm Aegis của Mỹ, tăng cường khối lượng dự trữ tên lửa, mua thêm tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ, phát triển hệ thống phòng không chống tên lửa siêu thanh... Tokyo cũng dành hẳn nhiều ngân sách cho các vế sản xuất drone, mở rộng các hoạt động về an ninh mạng và mảng « công nghệ không gian phục vụ các mục tiêu quân sự ».

    Nhà nghiên cứu Marianne Péron Doise, chuyên về an ninh biển ở khu vực Đông Bắc Á trường Khoa Học Chính Trị Sciences Po. Paris lưu ý, Nhật Bản là một quốc gia duy nhất trên thế giới quyết định « tăng chi phí quốc phòng tương đương với 1 % GDP lên thành 2 % tổng sản phẩm nội địa trong vỏn vẹn 5 năm ». Đó là yếu tố đầu tiên khiến Mỹ rất hài lòng.

    Hơn nữa, do cuộc chiến Ukraina, Tokyo đã nới lỏng một số nguyên tắc cho phép chuyển giao thiết bị quân sự, chuyển giao công nghệ quốc phòng cho một số quốc gia. Từ 2014 Nhật Bản đã bắt đầu xuất khẩu thiết bị quân sự với điều kiện đó không là vũ khí sát thương, nhưng đến cuối 2023 thì danh sách hàng được xuất khẩu trong lĩnh vực này đã được mở rộng thêm và bao gồm cả 80 « loại vũ khí và thiết bị sát thương, 13 quốc gia được giao dịch với các tập đoàn Nhật Bản trong lĩnh vực này ». Hãng tin Kyodo khẳng định « Nhật Bản, tựa như Hoa Kỳ hay Pháp muốn trở thành một nguồn xuất khẩu vũ khí trên thế giới và đây sẽ là một bước ngoặt lịch sử »

    Những thay đổi nói trên vừa là cơ sở vừa là cơ hội cho các chương trình hợp tác tập đoàn công nghiệp quốc phòng của Mỹ và Nhật Bản.

    Ẩn số về tiềm lực của mạng lưới công nghiệp Nhật Bản

    Câu hỏi còn lại là liệu rằng các tập đoàn công nghiệp của Nhật như Toshiba, Mitsubishi Electric hay Subaru, Daikin có đủ sức và dễ dàng chấp nhận lao vào cuộc chơi cộng tác rồi cạnh tranh với những « ông lớn » trong ngành như Lockheed Martin của Mỹ hay BAE Systems PLC của Anh hay không ?

    Theo một điều tra của Reuters (26/03/2023) nếu như trong nhiều thập niên qua các tập đoàn nói trên, với tên tuổi rất quen thuộc với người tiêu dùng, đã « kín đáo trang bị cho lực lượng phòng vệ Nhật Bản, tăng công suất để trở thành những con chim đầu đàn trong lĩnh vực xuất khẩu vũ khí không là chuyện dễ vì số này sợ rằng sẽ mất đi cảm tình của người tiêu dùng bình thường tại một quốc gia mà công luận có khuynh hướng chủ hòa. Một nhà báo độc lập tại Tokyo được báo The Diplomat hôm 10/04/2024 trích dẫn lo ngại về khả năng sản xuất của các tập đoàn công nghiệp Nhật Bản vừa phục vụ các mục tiêu dân sự và quân sự có hạn.

    Thí dụ như Mitsubishi Heavy Industries sản xuất máy bay phản lực và tên lửa để răn đe Trung Quốc nhưng hoạt động chính của tập đoàn này là chế tạo động cơ máy bay dân sự và trang thiết bị cho các nhà máy điện, sản xuất máy móc cho các dây chuyền lắp ráp xe ô tô … Các hợp đồng với chính phủ Nhật chỉ chiếm « 10 % doanh thu của đại công ty này ».  

    Không chắc các thỏa thuật phát triển vũ khí chung với Mỹ mà thủ tướng Fumio Kishida vừa đạt được nhanh chóng cho phép đảo ngược thế cờ.

    Phản ứng của Bắc Kinh ?

    Dù vậy nhìn từ Bắc Kinh, viễn cảnh Nhật Bản và Mỹ hợp tác để trở thành những nguồn cung cấp vũ khí cho thế giới, viễn cảnh tên lửa hiện đại hay các hệ thống phòng thủ chống tên lửa siêu thanh sắp ra đời ngay trên lãnh thổ Nhật Bản gần sát Trung Quốc không là một điềm lành.

    Đây sẽ là một yếu tố mới gây thêm hiềm khích giữa Tokyo và Bắc Kinh, nhất là vào thời điểm mà kinh tế Nhật Bản thì đã nhanh chóng phục hồi sau đại dịch Covid, các chỉ số chứng khoán của Tokyo đi từ kỷ lục này đến kỷ lục khác. Trái lại không khí trên các sàn chứng khoán Trung Quốc vẫn khá ảm đạm.

    Do vậy giới phân tích chờ đợi Trung Quốc sẽ đẩy mạnh đầu tư nhằm tăng cường tiềm năng công nghiệp quốc phòng để vẫn giữ được thế thượng phong so với các tập đoàn của Nhật, để không bị ảnh hưởng vì chiến thuật « răn đe » từ phía các đồng minh của Hoa Kỳ.

    Tue, 16 Apr 2024
  • 167 - Trung Quốc dùng công cụ tiền tệ cuối cùng để cứu vãn kinh tế ?

    Tăng trưởng chậm tại và khủng hoảng địa ốc kéo dài khiến Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc liên tục giảm lãi suất, "bơm thêm" thanh khoản để khuyến khích tiêu thụ và đầu tư. Những biện pháp "truyền thống" dường như chưa đủ mạnh. Bắc Kinh cân nhắc sử dụng đến "công cụ tiền tệ cuối cùng" để cứu vãn tình hình.

    « Mua lại công trái phiếu » của chính phủ là gì ? Hiệu quả đến đâu và tại sao giới trong ngành thận trọng với « công cụ tiền tệ này »ngay cả khi đã được chủ tịch Trung Quốc đã gợi ý ? RFI tiếng Việt mời chuyên gia về tiền tệ và ngân hàng, Victor Lequillerier, đồng sáng lập viên cơ quan tư vấn BSI Economics, Paris, trả lời các câu hỏi trên.

    Nhật báo Hồng Kông ngày 28/03/2024 nhắc lại tuyên bố từ tháng 10/2023 của ông Tập Cận Bình là « cần sử dụng triệt để hơn và mở rộng các công cụ tiền tệ », đã đến lúc « Ngân Hàng Trung Ương từng bước mở rộng các khoản giao dịch công trái phiếu trên thị trường mở ». Từ đó đến nay, chỉ thị này vẫn chưa được chấp hành. Thống đốc Phan Công Thắng (Pan Gongsheng) vẫn chưa mua vào công trái của chính phủ. Nhưng theo giới quan sát đấy chỉ là vấn đề thời gian, bởi Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc đang chịu áp lực rất lớn để phải tính đến giải pháp đã « không được sử dụng từ hơn 20 năm qua ».

    Thiếu thanh khoản hay khối lượng tiền lưu hành tăng không đủ nhanh ?

    Trên đài RFI Việt ngữ, Victor Lequillerier ngạc nhiên về đề nghị của ông Tập Cận Bình đòi Ngân Hàng Trung Ương sử dụng một công cụ « gây nhiều tranh cãi » trong chính sách tiền tệ của Trung Quốc. Nhưng trước hết, đồng sáng lập viên cơ quan tư vấn BSI Economics, Paris phân tích vì sao báo chí Trung Quốc nhắc lại gợi ý của ông Tập từ mùa thu 2023.

    Victor Lequillirier : « Phải đặt lại bối cảnh tuyên bố này. Thực ra đề xuất đã được ông Tập Cận Bình nêu lên từ hồi tháng 2023 nhưng từ đó đến nay Ngân Hàng Trung Ương không tỏ ra mặn mà. Vả lại, tình hình kinh tế Trung Quốc hiện tại có vẻ khả quan hơn. Tháng 10 năm ngoái, tăng trưởng bị chựng lại ; Trung Quốc bị đặt trước nguy cơ bị giảm phát ; đầu tư tăng rất chậm và đó cũng là thời điểm người ta hoài nghi về khả năng thanh toán và khả năng đi vay thêm tín dụng của một số chính quyền cấp tỉnh, cấp địa phương. Sau khóa họp Quốc Hội vào tháng 3/2024 Bắc Kinh đề ra mục tiêu 5 % tăng trưởng cho năm nay. Mục tiêu đó chỉ đạt được nếu như chính quyền trung ương tăng ngân sách chi tiêu để kích cầu (…).

    Sở dĩ giờ đây báo chí Trung Quốc nhắc lại tuyên bố này của ông Tập, có lẽ công luận thực sự lo ngại là tình trạng tài chính của nền kinh tế thứ hai toàn cầu đang xấu đi và vì nên vậy phải kết hợp cùng lúc hai công cụ để vực dậy kinh tế. Nghĩa là vừa phải tăng ngân sách vừa phải nới rộng các chính sách tiền tệ và phải tích cực hơn trong nỗ lực vận dụng cả hai công cụ này».

    Nhưng về cơ bản « mua lại công trái phiếu là gì » và trong trường hợp của Trung Quốc, giải pháp đó có hiệu quả hay không ?  

    Victor Lequillerier : « Áp dụng biện pháp đó có nghĩa là Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc trực tiếp hoặc gián tiếp can thiệp để thúc đẩy kinh tế. Ngân Hàng Trung Ương không bơm thêm tiền để làm tăng mức nợ công của nhà nước hay của các chính quyền địa phương. Định chế này chỉ mua lại công trái phiếu nhà nước phát hành và có thể là chúng đang do các ngân hàng thương mại, ngân hàng đầu tư … hay các chính quyền địa phương nắm giữ.

    Trong trường hợp của Trung Quốc có nghĩa là chính sách tiền tệ sẽ có hiệu quả lớn hơn, một khi mà những ai đang nắm giữ công trái phiếu được bảo đảm rằng, ở bất kỳ thời điểm nào, chúng cũng có thể được hoán chuyển thành tiền mặt. Điều đó có nghĩa là lãi suất chỉ đạo ngân hàng sẽ lại càng được giảm xuống, qua đó những lãi suất tín dụng khác cũng giảm xuống theo …. Câu đặt ra là liệu rằng biện pháp mua lại công trái phiếu có thích hợp với trường hợp của Trung Quốc hiện nay hay không ? Tôi nghĩ là không : bởi vì Ngân Hàng Trung Ương vẫn còn nhiều công cụ có thể sử dụng được trước khi cần phải mua lại công trái phiếu».

    Chưa cần đến giải pháp cuối cùng 

    Mua lại công trái phiếu cho phép nới lỏng định lượng ngân hàng, qua đó giảm lợi suất trái phiếu và kích thích kinh tế nhưng đối với Trung Quốc, thì thứ nhất là lãi suất đã được giữ ở mức thấp và thứ hai là như chuyên gia về tài chính ngân hàng của Pháp Victor Lequillerier vừa giải thích Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc vẫn còn nhiều lá chủ bài trong tay trước khi phải sử dụng đến đòn mua lại công trái phiếu như ông Tập Cận Bình đề xướng. Đồng sáng lập viên cơ quan tư vấn BSI Economics cho rằng trước mắt Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc chưa sử dụng hết tất cả những công cụ có sẵn trong tay :

    Victor Lequillerier :« Những công cụ đó thông thường là các loại lãi suất ngân hàng, với một vài nét hơi đặc biệt của Trung Quốc. Tôi muốn nói đến lãi suất LPR, tức là lãi suất cho vay cơ bản. Ở Trung Quốc LPR có thời hạn 5 năm được xem là một lãi suất để tham khảo và từ đó ấn định lãi suất thế chấp trên thị trường. Ngoài ra còn có những công cụ tài chính khác như các khoản giao dịch Repo và Reverse Repo để những ai đang nắm giữ cổ phiếu hoặc công trái phiếu dễ dàng bán đi với cam kết là sẽ mua lại chúng trong một thời hạn nhất định với giá cao hơn so với giá đã bán ra ban đầu. Biện pháp này cho phép nhanh chóng huy động tiền mặt.

    Công cụ thứ ba là lãi suất cho vay trung hạn MLF. Cuối cùng, Ngân Hàng Trung Ương vừa có thể điều chỉnh các loại lãi suất ngân hàng như đã nói, vừa có thể điều chỉnh mức dự trữ bắt buộc của các ngân hàng. Hạ thấp khoản dự trữ bắt buộc cho phép ngân hàng dễ dàng mở van tín dụng, cấp thêm vốn cho tư nhân, cho các chính quyền địa phương để thúc đẩy kinh tế. Vậy tại sao lại phải sử dụng đến chính sách « mua lại công trái phiếu » ? Trên nguyên tắc, mua lại công trái phiếu là liều thuốc sau cùng, khi « đã hết thuốc chữa ». Tuy nhiên tình trạng của Trung Quốc không tuyệt vọng đến như vậy bởi vì Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc vẫn có thể tiếp tục hạ lãi suất để kích cầu».

    Coi chừng lợi bất cập hại 

    Đề xuất của ông Tập Cận Bình là con dao hai lưỡi. Một mặt biện pháp này cho phép kích cầu nhờ lãi suất chỉ đạo ngân hàng được hạ xuống thấp. Mặt khác, lãi suất thấp cũng có nhiều bất lợi cho Trung Quốc nhất là khi mà suất ngân hàng ở Mỹ, châu Âu đang tăng lên cao. Đồng nhân dân tệ bị mất giá và vốn đầu tư ngoại quốc có khuynh hướng « chạy » sang nơi khác với hy vọng kiếm lời cao hơn.

    Ngoài ra Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc thận trọng với giải pháp của ông Tập Cận Bình do biện pháp mua vào công trái phiếu sẽ thổi nên những quả bóng đầu cơ khác và đó là điều Ngân Hàng Trung Ương không muốn xảy ra.

    Câu hỏi cuối cùng : giải pháp huy động Ngân Hàng Trung Ương mua lại công trái phiếu có cho phép kích thích tăng trưởng của Trung Quốc và ngăn chận hiện tượng chảy máu đầu tư trực tiếp nước ngoài khỏi Hoa Lục hay không ?  

    Victor Lequillerier : « Ở đây có hai vấn đề : quyết định của ông Tập là nhằm tăng cường mọi khả năng để hạ lãi suất ngân hàng và bảo đảm rằng mọi tác nhân trong chuỗi kinh tế của Trung Quốc không sợ bị thiếu thanh khoản, bởi đã có Ngân Hàng Trung Ương đứng ra bảo đảm. Hệ quả kèm theo là các chính quyền địa phương có thể huy động thêm vốn để tiếp tục tài trợ các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng. Trong trường hợp cần thiết, họ được trung ương, qua vai trò của Ngân Hàng Trung Ương cung cấp tiền mặt. Nói cách khác các cấp tỉnh, cấp vùng có phương tiện để đạt mục tiêu tăng trưởng 5 % như trung ương đã đề ra. Nhưng bên cạnh đó biện pháp này không giúp giải quyết vấn đề Trung Quốc đang để thất thoát đầu tư nước ngoài. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Hoa Lục giảm mạnh là do những chính sách kinh tế của Bắc Kinh, do môi trường cạnh tranh bất lợi cho doanh nghiệp ngoại quốc.... Thành thử biện pháp mua vào công trái phiếu không giúp Bắc Kinh đảo ngược thế cờ và lôi kéo trở lại các nguồn đầu tư của quốc tế vào Trung Quốc».    

    Bên cạnh những phân tích thuần túy mang tính kỹ thuật của ngành ngân hàng đó, giới nghiên cứu cũng lưu ý rằng : Bắc Kinh đang đi tìm một « mô hình kinh tế mới »với « những mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng » có nghĩa là vừa phải « ổn định được những gì đang đem lại tăng trưởng cho Trung Quốc từ trước đến nay » (như bất thị trường nhà đất, như các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng) đồng thời phải « ồ ạt đầu tư vào các mảng công nghệ mới » (trong số này bao gồm từ trí tuệ nhân tạo đến công nghiệp sản xuất xe ô tô điện hay pin mặt trời …).

    Trung Quốc ý thức được rằng lĩnh vực địa ốc, có trọng lượng tương đương với gần 1/3 tổng sản phẩm nội địa trong ba năm liên tiếp cần phải được hồi sinh. Các giới chức chính trị và kinh tế ở Bắc Kinh hiểu rõ hơn ai hết là đầu tàu tăng trưởng của Trung Quốc trong những năm sắp tới không phải là sản xuất hàng may mặc hay máy tính điện tử và kể cả những tấm pin mặt trời mà là những trang thiết bị viễn thông thế hệ mới, là bí quyết làm chủ trí tuệ nhân tạo … do vậy Trung Quốc cần rất nhiều vốn trong giai đoạn chuyển đổi sang một nền công nghệ của tương lai. 

    Để bảo đảm tăng trưởng cho cả các lĩnh vực truyền thống và tương lai đó mà Trung Quốc cần huy động nhiều vốn tối đa và trong thời gian ngắn nhất. Có lẽ đấy mới là chủ đích khi ông Tập huy động Ngân Hàng Trung Ương mở rộng chính sách tiền tệ. 

    Tue, 09 Apr 2024
  • 166 - Dịch vụ điện toán - digital của Pháp : Atos, con chim đầu đàn gẫy cánh

    Hơn 100 ngày trước lễ khai mạc Olympic Paris 2024, tập đoàn Pháp Atos, một trong những cột trụ bảo đảm các dịch vụ điện toán, an toàn cho môi trường digital của sự kiện thể thao trọng đại nhất toàn cầu, rơi vào tâm bão. Atos mất đến 97 % trị giá trên các sàn chứng khoán trong 4 năm và có đúng 4 tháng để huy động 3,5 tỷ euro thanh toán nợ đáo hạn.

    Công ty Atos bảo đảm các dịch vụ máy tính cho các nhà máy điện hạt nhân và quản lý, cất giữ các dữ liệu hành chính liên quan đến gần 70 triệu dân Pháp. Chính phủ kỳ vọng vào con chim đầu đàn về tin học này để phát triển trí tuệ nhân tạo, để độc lập với công nghệ digital của Mỹ, để bảo mật các dữ liệu « nhậy cảm » về an ninh, đề phòng những hoạt động phi pháp từ các toán tin tặc, nhất là của Nga, Trung Quốc hay Iran, Bắc Triều Tiên. 

    Olympic Paris 2024 không chỉ là sân chơi cho các vận động viên quốc tế tranh tài. Đây còn là tủ kính để các tập đoàn công nghệ số hàng đầu thế giới cạnh tranh. Thế Vận Hội cũng là đấu trường giữa các công ty bảo vệ an ninh mạng với các toán tin tặc càng lúc càng năng động với những kỹ thuật và chiến lược càng lúc càng tinh vi. Tổ chức trên sân nhà, Pháp kỳ vọng nhiều vào Atos.

    Một cách cụ thể, Atos lo liệu nhiều khâu dịch vụ khác nhau, từ việc đăng ký và cấp giấy phép cho các vận động viên, các phái đoàn đến dự Olympic Paris, phân phối vé vào cửa cho mỗi cuộc tranh tài, bảo đảm dịch vụ niêm yết trực tiếp về kết quả các cuộc thi đấu trong suốt thời gian diễn ra Thế Vận Hội và Paralympic. Điều đó cũng có nghĩa là tập đoàn Pháp này nắm giữ rất, rất nhiều thông tin cá nhân nhậy cảm liên quan đến các vận động viên của thế giới, đến các quan chức trong những phái đoàn quốc gia, liên quan đến thẻ tín dụng ngân hàng của tất cả những ai đặt vé vào xem các cuộc tranh tài … Atos cũng sẽ phải bảo đảm rằng trong 3 tuần lễ Olympic và gần 2 tuần Paralympic, không một tác nhân « ngoài cuộc nào thâm nhập được vào các hệ thống tin học » của nước chủ nhà, của các hãng gia công, không một sự cố nghiêm trọng nào « đánh sập » trang nhà Thế Vận Hội Paris, làm tê liệt hệ thống mua bán vé trên mạng, hay can thiệp vào mạng các cơ sở hạ tầng thiết yếu trên toàn quốc …

    Được thành lập từ 1997, theo bảng xếp hạng NelsonHall (của Anh), Atos là một trong ba tập đoàn hàng đầu thế giới có mức độ « đáng tin cậy nhất, hiệu quả nhất » để chận các vụ thâm nhập bất hợp pháp vào mạng tin học của các mục tiêu bị nhắm tới. Atos có « 15 trung tâm an ninh mạng, 6.000 chuyên gia và 30 năm kinh nghiệm », áp dụng các hệ thống tin học được sử dụng trong thế giới thể thao.

    Một cột trụ lung lay trước những thách thức lớn

    Chỉ có điều là con chim đầu đàn này đang gặp nạn vào lúc nguy cơ Olympic Paris gặp sự cố tin học « cao hơn gấp từ 8 đến 10 lần so với Thế Vận Hội Tokyo hồi năm 2021 ». Một lãnh đạo cao cấp của Atos đã nhắc lại là « 450 triệu sự cố cyber » đã xảy ra nhân Olympic Tokyo 2021. Cơ quan quốc gia Pháp đặc trách về an toàn cho các hệ thống tin học ANSSI trong báo cáo cuối tháng 2/2024 đặc biệt chú ý đến các hoạt động của tác toán tin tặc do Nga, Trung Quốc, Iran và Bắc Triều Tiên giật dây.

    Hỏa ngục tài chính

    Vậy mà hơn 100 ngày trước lễ Khai Mạc Thế Vận Hội Paris, các tin xấu dồn dập đổ vào Atos : Từ nay đến cuối tháng 7, tập đoàn này phải gấp rút huy động 3,5 tỷ euro thanh toán nợ đáo hạn (trước cuối 2025). Hai đối tác duy nhất và được coi là có triển vọng nhất đang đàm phán để mua lại một phần vốn của Atos thì vào giờ chót tuyên bố bỏ cuộc.

    Điều đó có nghĩa là tập đoàn số 3 thế giới trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ tin học phải đàm phán lại - gần như là từ đầu, mất thêm thời gian để huy động vốn. Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu của Atos rơi xuống còn chưa đầy 2 euro thay vì cả trăm euro như hồi năm 2020.

    Trên kênh truyền hình tư nhân BFM TV, Guy Mamou Mani, chủ tịch - tổng giám đốc cơ quan tư vấn Gadax Conseil, trụ sở tại quận 9 Paris, nhấn mạnh đến một nghịch lý khó hiểu : Atos bị các cổ đông ruồng bỏ cho dù vẫn không ngừng thu vào thêm những hợp đồng mới.

    Những khách hàng của Atos là những « giá trị đáng tin cậy » như Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế CIO, như nhà nước Pháp, quân đội Pháp, như Cơ Quan Vũ Trụ và Không Gian Châu Âu, là những tên tuổi lớn trong ngành tài chính ngân hàng, năng lượng … của Pháp và châu Âu : « Atos là một tập đoàn với hơn 100 ngàn nhân viên trên thế giới, là một hãng chuyên cung cấp những dịch vụ về điện toán hiếm có trên thế giới, có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Nghịch lý ở đây làAtos vẫn đang kýthêm hợp đồng, làm việc với nhiều hãng lớn, không ngừng mở rộng danh sách các thân chủ tín nhiệm Atos và nhất là đang nắm giữ nhiều lĩnh vực then chốt và chiến lược, khó có thể ủy thác cho các công ty nước ngoài. Nhưng bên cạnh đó làtình trạng tài chính vô cùng tệ hại của con chim đầu đàn này ».

    Nguy cơ bị xẻ lẻ

    Ngay từ khi được thành lập năm 1997 Atos có nhiệm vụ quản lý hệ thống tin học cho các cơ quan nhà nước. Với vai trò càng lớn của công nghệ kỹ thuật số, của các dịch vụ trên mạng, Atos giờ đây quản lý, bảo đảm an ninh cho hệ thống điện toán của sở thuế vụ quốc gia, của các cơ quan bảo hiểm y tế, xã hội, thất nghiệp … tại Pháp. Các nhà máy điện lực, hệ thống giao thông công cộng, hệ thống tài chính ngân hàng của Pháp … và nhiều đối tác châu Âu đều trong tay Atos. Các hoạt động này được tập trung trong thực thể mang tên Tech Foundations. 

    Ngoài ra, Atos còn là một trong những nhà sản xuất « siêu máy tính » hiếm hoi trên thế giới với chức năng tiến hành hàng tỷ, tỷ phép tính số học mỗi ngày để sử dụng trong cac lĩnh vực khoa học, quân sự hay trí tuệ nhân tạo … Atos cũng chuyên về phát triển trí tuệ nhân tạo, công nghệ data, bảo đảm an ninh trong môi trường digital. Mảng hoạt động này đang được phát triển mạnh, do Eviden và BDS điều hành, cả hai cùng là những chi nhánh của Atos. 

    Trở lại câu hỏi vì sao Atos rớt đài ? Chủ tịch - tổng giám đốc cơ quan tư vấn Gadax Conseil của Pháp thực sự lấy làm tiếc là tương tự như nhiều đại tập đoàn công nghiệp trên thế giới, tiếng nói của các cổ đông càng lúc càng được lắng nghe. Hệ quả kèm theo là « không một kỹ sư có kinh nghiệm trong ngành được mời tham gia hội đồng quản trị của Atos. Đây là câu lạc bộ độc quyền của một số chính khách và rất nhiều ông chủ ngân hàng, chủ nhân các quỹ đầu tư … »  

    Leïla Marchand, nhà báo chuyên phụ trách chuyên mục Tech Medias của báo kinh tế Les Echos, giải thích : « Về mặt chính thức, chúng ta biết hãng này đang gặp khó khăn, sau một loạt những tính toán sai lầm, và từ năm 2021 Atos đã tính đến khả năng chuyển nhượng lại một số hoạt động của công ty. Chủ yếu là tách rời hai mảng : bán đi các chi nhánh đang gặp khó khăn, để chỉ giữ lại những lĩnh vực đang cho phép thu về lợi nhuận cao và như là bảo đảm các dịch vụ an ninh mạng và sử dụng siêu máy tính để điều hành các nhà máy điện hạt nhân ».

    Nguy cơ chuyển nhượng một lĩnh vực « nhậy cảm » cho một nhà đầu tư nước ngoài

    Do vậy, nghịch lý ở đây là Atos bị đẩy vào thế phải chạy đua với thời gian, tìm ra vài tỷ euro để thỏa mãn đòi hỏi ngày càng lớn của các cổ đông. Trong cuộc chạy đua đi tìm lợi nhuận đó, « một trong những con chim đầu đàn có thể bảo đảm được thế tự chủ của Pháp về công nghệ trong thời đại kỹ thuật số » có nguy cơ đánh mất đi những công cụ quý giá, như là một đội ngũ chuyên gia với tay nghề cao, uy tín của một rào cản đáng tin cậy để bảo mật những thông tin liên quan đến an ninh quốc gia. Tệ hơn nữa, Atos, trong thế yếu, đang đàm phán với một nhà tài phiệt gốc Séc để chuyển nhượng lại một phần những hoạt động mà chính nhà nước Pháp coi là « ưu tiên hàng đầu để giành lấy quyền tự chủ và độc lập với công nghệ của Mỹ ».

    Leïla Marchand, báo Les Echos của Pháp, giải thích tiếp : « Điều cấp bách nhất hiện nay là phải có tiền mặt vì Atos đang bị đẩy vào chân tường, trước một núi nợ 5 tỷ euro, trong đó 3,5 tỷ phải được thanh toán trước cuối năm 2025. Tức là trong bối cảnh đó, Atos đang phải đàm phán lại với các chủ nợ, đồng thời nằm trong tầm ngắm của các cơ quan thẩm định tài chính. Tháng Giêng 2024, mức độ đáng tin cậy của Atos đã bị hạ 3 nấc điểm. Vào lúc cần phải đi vay thêm, cần phải tìm kiếm các đối tác để mua lại một phần các hoạt động của mình thì Atos lại bị công ty thẩm định tài chính Mỹ, S&P, xếp vào loại những tập đoàn mang tính rủi ro cao ».

    Về phần Gwenaëlle Barzic, cũng thuộc tờ Les Echos, bà coi việc Atos bị S&P hạ điểm tín nhiệm là một đòn chí tử gây thêm khó khăn cho một trong những công ty có triển vọng nhất của Pháp trong lĩng vực digital : « Đây là một tin quan trọng vì bị hạ điểm tín nhiệm như vậy tạo hoang mang nơi một số thân chủ của Atos, và thậm chí là một số khách hàng có thể quay lưng lại với một tập đoàn có điểm tín nhiệm quá thấp. Hơn nữa, với điểm tín nhiệm thấp như vậy, Atos càng bị suy yếu vào lúc hãng này cần đàm phán lại về hợp đồng để chuyển nhượng lại một số hoạt động và cần huy động vốn để chuẩn bị thanh toán nợ hàng tỷ euro sắp đáo hạn ».

    Trước mắt, Atos khẳng định những biến động về tình hình tài chính của tập đoàn này không ảnh hưởng đến các thân chủ và sẽ vẫn chu toàn nhiệm vụ theo hợp đồng trong mùa Thế Vận Hội Paris năm nay.   

    Ba bài học từ Atos

    Tuy nhiên, hiện thời có ít nhất ba bài học có thể rút ra được từ trường hợp đặc biệt của Atos : một là thế rất mạnh của các cổ đông có thể tạo nên một cơn bão vô tiền khoáng hậu và thậm chí là có nguy cơ khai tử một trong những tập đoàn được cho là thuộc diện an toàn nhất.

    Thứ hai là bên cạnh những tính toán đầy mạo hiểm từ nhiều đời lãnh đạo khác nhau để phát triển và vươn lên thành một trong những công ty mũi nhọn trên thế giới digital, Atos đang trả giá cho một số sai lầm, mà điển hình là núi nợ 5 tỷ euro phải thanh toán trước ngưỡng 2029.

    Điểm thứ ba là cho dù chính phủ Pháp, cũng như Liên Âu, đã đề ra mục tiêu « tự chủ về công nghệ, data, trí tuệ nhân tạo, tăng cường an ninh mạng ... », nhưng những khẩu hiệu đó đang vấp phải thực tế như trong trường hợp của Atos hiện nay. Đó là chưa kể đến những đòn cạnh tranh nguy hiểm ngay giữa các thành viên của châu Âu là Pháp và Đức. Bởi trong hồ sơ giải cứu Atos này, dự án tập đoàn Airbus, mà Pháp và Đức là hai thành viên chủ chốt, mua lại chi nhánh BDS đã nhiều lần bị hỏng, để rồi tạm thời một tập đoàn của Đức, đối thủ cạnh tranh với Atos, hưởng lợi.

    115 ngày trước Olympic Paris 2024 và trước áp lực rất lớn mà các toán tin tặc đang đặt ra, ai cùng biết rằng thành công hay thất bại của Thế Vận Hội lần này phần nào tùy thuộc và khả năng của Pháp « bảo đảm an ninh và an toàn cho các hệ thống tin học ». Đối với Atos cũng như nước chủ nhà, mục đích duy nhất sẽ là làm thế nào để tất cả các toán tin tặc bị việt vị trong suốt mùa Thế Vận Hội và Paralympic Paris.

    Tue, 02 Apr 2024
  • 165 - Nông sản Ukraina trong tầm ngắm của nông dân châu Âu : Nga thắng lớn

    Nông dân tại nhiều nước trong Liên Hiệp Châu Âu, những đồng minh gắn bó với Kiev, phẫn nộ vì nông phẩm rẻ Ukraina phá giá thị trường. Trong khi đó lúa mì, ngô và ngũ cốc của Nga dễ dàng được nhiều nước trong Liên Âu « mở rộng vòng tay chào đón » mà không bị cáo buộc « cạnh tranh bất bình đẳng » với nông phẩm của châu Âu. Đây là một « thắng lợi quan trọng về nhiều mặt » đối với Matxcơva từ khi Vladimir Putin đưa quân xâm chiếm Ukraina.  

    25 tháng sau khi những người lính Nga đầu tiên tràn sang biên giới Ukraina, mãi đến hôm 22/03/2024 Ủy Ban Châu Âu mới đề nghị tăng thuế đánh vào ngũ cốc, dầu ăn của Nga. Một công đôi việc : vừa ngăn chận nông phẩm rẻ khuynh đảo thị trường châu Âu (qua đó xoa dịu nỗi công phẫn trong giới nông gia trước bầu cử Nghị Viện châu Âu), vừa ngừng tài trợ cho cỗ máy chiến tranh của Vladimir Putin.

    Tại sao phải mất hơn 2 năm, Liên Âu mới nhắm tới đến nông phẩm của Nga ? Sau nhiều tháng « khủng hoảng », nông dân Ba Lan, Solvakia hay các nước vùng Baltic, chận xe tải chở lương thực, thực phẩm Ukraina ở các đường biên giới, sau việc 5 nước thành viên Liên Âu đầu mùa thu 2023 tạm cấm nhập khẩu ngũ cốc Ukraina, Bruxelles mới đề nghị tăng thuế nhập khẩu đánh vào nông phẩm của Nga (ngũ cốc, ngô, lúa mì, dầu thực vật và các sản phẩm chế biến từ dầu…) bán trực tiếp cho Liên Âu. Biện pháp đề xuất đó không liên quan đến nông phẩm của Nga chỉ trung chuyển qua khối này để xuất khẩu sang một thị trường khác như châu Phi, hay Trung Đông …

    Chiến tranh Ukraina, nông dân Nga hưởng lợi

    Thống kê của châu Âu cho thấy từ tháng 7/2023 đến tháng 1/2024, Liên Âu hàng tháng nhập khẩu ngũ cốc từ Nga cao hơn « gấp 5 lần so với mức trung bình của 5 năm gần đây ».  

    Ý và Tây Ban Nha là hai nước mua vào nhiều nhất ngũ cốc của Nga. Lúa mì của Nga bán cho Ý tăng 82 % trong chưa đầy một năm, đạt 423.000 tấn hồi 2023.

    Theo giới quan sát, điện Kremlin có nhiều lý do để vẫn yên tâm « trên mặt trận nông nghiệp » vào lúc mà Bruxelles đòi đánh thuế nông phẩm Nga. Thứ nhất, đây mới chỉ là một đề xuất được Liên Hiệp Châu Âu đưa ra trong phiên hôm 22/03/2024, mà ai cũng biết là về bất cứ một vất đề gì, 27 thành viên Liên Âu luôn cần « thảo luận, đàm phán » rất nhiều trước khi tìm được đồng thuận và thực sự áp dụng chính sách đã đề ra.

    Điểm thứ nhì là đành rằng do tác động chiến tranh Ukraina và châu Âu vẫn để ngỏ cửa cho hàng của Nga thâm nhập, nhưng chỉ riêng về ngũ cốc, nhập khẩu của Liên Âu (mà Nga chỉ là một trong số các đối tác) tính ra chưa đầy 0,56 % so với khối lượng ngũ cốc mà khối này bán ra cho toàn thế giới. Nói cách khác, đánh thuế nông phẩm của Nga chỉ mang tính tượng trưng chứ không ảnh hưởng gì đến nông dân Nga, đến các hoạt động xuất khẩu nông phẩm của Nga.

    Điểm thứ ba là vào lúc Liên Âu bàn thảo về khả năng tăng thuế nhập khẩu đối với nông phẩm Nga thì Bruxelles, vì bảo vệ lợi ích cho nông dân khối châu Âu, cũng trở nên ích kỷ hơn và ít đoàn kết hơn với nông dân Ukraina.

    Hầu như mỗi ngày các phương tiện truyền thông của Pháp, Đức hay Ba Lan, Slovakia đều điểm danh thịt gà, trứng, đường, ngô, dầu ăn… của Ukraina nhân gây xáo trộn trên thị trường lương thực thực phẩm của Liên Hiệp Châu Âu, gây thiệt hại cho giới chăn nuôi của khối này.

    Nông gia Châu Âu có lợi cho Putin tịch thu một công cụ kháng chiến của Kiev

    Châu Âu càng đau đầu vì nông phẩm Ukraina, Nga càng mừng. Hình ảnh nông dân Ba Lan (mà Vacxava là điểm tựa trung thành và vững chắc của chính quyền Kiev ngay từ những ngày đầu chiến tranh), đổ nông phẩm Ukraina xuống đường, cũng đủ để thách thức tính đoàn kết của quốc gia đông Âu này với Ukraina. Đó là một thắng lợi về mặt tâm lý mà Matxcơva không phải tốn đến một xu !

    Hơn thế nữa, từ khi nổ ra chiến tranh, nếu như tổng thống Nga Vladimir Putin trông cậy vào năng lượng để tài trợ « chiến dịch quân sự đặc biệt », thì nông phẩm đối với tổng thống Ukraina, Volodymyr Zelenski, cũng là một công cụ kháng chiến.

    Trong một chương trình về địa chính trị, do giám đốc Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược IRIS của Pháp, ông Pascal Boniface điều hành, nhà nghiên cứu về lương thực, thực phẩm Sébastien Abis, giám đốc Câu Lạc Bộ Club Déméter phân tích :

    Sébastien Abis: Trong trường hợp cụ thể của Ukraina, một cường quốc nông nghiệp trên thế giới, bị ngăn cản xuất khẩu qua ngả Biển Đen cho nên chính quyền Kiev đã phải tìm những giải pháp thay thế, bằng đường sông, đường bộ. Tuy nhiên, sau hai năm chiến tranh, Ukraina đã có khả năng thích nghi, xuất khẩu trở lại qua Biển Đen. Từ một vài tháng trở lại đây, kim ngạch xuất khẩu lương thực, thực phẩm của quốc gia này đã trở lại ngang bằng với thời kỳ trước khi bị Nga xâm chiếm. Đối với Ukraina thì xuất khẩu nông phẩm mang yếu tố sống còn. Đây là một trong những cột trụ của kinh tế Ukraina trong giai đọan chiến tranh. Nhờ xuất khẩu nông phẩm mà Kiev có phương tiện kháng cự trước sức mạnh quân sự của Nga.

    Cũng chính hồ sơ nông nghiệp đã đẩy căng thẳng giữa Kiev và Vacxava lên cao đến mức, vào tháng 9/2023, vài tuần trước bầu cử Quốc Hội, Ba Lan tuyên bố « ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraina ». Ba Lan là cửa ngõ chính đưa viện trợ vũ khí của phương Tây vào Ukraina.

    Tuyên bố cuả thủ tướng khi đó là ông Mateusz Morawiecki, (với lâp trường bảo thủ) đã gây chấn động đến nỗi tổng thống Ba Lan cùng phe với Morawiecki đã vội vàng giải thích đấy là một sự « hiểu nhầm ».

    Sau bầu cử Quốc Hội Ba Lan, tân chính phủ do thủ tướng Donald Tusk, một người có lập trường cởi mở với châu Âu đứng đầu, nhưng nông dân Ba Lan vẫn bất mãn vì bị nông phẩm rẻ của Ukraina cạnh tranh.

    Sự phẫn nộ đó dễ hiểu do : từ đầu chiến tranh Ukraina, Bruxelles mở cửa cho Kiev tự do xuất khẩu từ lúa mì đến ngũ cốc vào Liên Âu bằng đường bộ. Liên Hiệp Châu Âu không áp dụng các hàng rào quan thuế, cũng không quy định hạn ngạch quota.

    Trên nguyên tắc, khối lượng thực phẩm đó sẽ tiếp tục được chuyển tới một thị trường ở ngoài khối châu Âu. Thực tế có phần khác. Thống kê của Liên Hiệp Châu Âu Eurostat cho thấy : lượng lúa mì Ukraina tràn vào Liên Âu trong hai năm đã được « nhân cao lên tới 17 lần so với trước chiến tranh ». Cùng thời kỳ, giá một tấn lúa mì trên thị trường quốc tế đang từ 430 euro nay đã giảm xuống còn chưa đầy 200 euro/tấn. Giới chăn nuôi trong Liên Hiệp Châu Âu nói đến một « sự sụp đổ trên thị trường » và lên án Ukraina « cạnh tranh bất bình đẳng ».

    Về phía Kiev, tổng thống Zelensky hoàn toàn ý thức được là « già néo đứt dây » nên đã liên tục tỏ thiện chí trên hồ sơ nông nghiệp. Gần đây nhất, hôm 25/03/2024, Ukraina khẳng định sẵn sàng « kiểm soát các luồng xuất khẩu liên quan đến 4 loại ngũ cốc » sang Ba Lan và đã có những thỏa thuận tương tự với một số quốc gia khác như Rumani hay Bulgari.

    Lòng tốt của Liên Âu có hạn

    Chuyên gia về tầm mức địa chính trị của lương thực, thực phẩm Sébastien Abis cũng trong chương trình của Viện IRIS phân tích thêm :

    Sébastien Abis : Vấn đề Ukraina rất tế nhị bởi ở đây bao hàm tất cả những mâu thuẫn giữa tầm nhìn đôi khi thiển cận của Liên Âu. Ở đây đặt ra hai vấn đề : một là chính sách nông nghiệp chung châu Âu PAC mà trên thực tế trong thời gian gần đây, mỗi thành viên đều chủ động đưa ra một số biện pháp riêng lẻ để bảo vệ nông dân của mình. Tình thần cộng hưởng của chính sách nông nghiệp chung châu Âu trong một chừng mực nào đó đã bị một số thành viên xé rào từ 2023. Điểm thứ nhì là trong bối cảnh chiến tranh Ukraina, thì ngay từ những ngày đầu, Liên Hiệp Châu Âu đã rất đoàn kết với Ukraina và đã giúp đỡ Kiev về mọi mặt, kể cả trong việc tìm cách đưa lúa mì, ngũ cốc … của Ukraina ra khỏi các vùng chiến sự để bán được cho nước ngoài. Cũng ngay từ những ngay đầu cuộc chiến, Bruxelles đã lập tức cắt giảm các hàng rào thuế quan đánh vào nông phẩm của Ukraina. Liên Âu thực sự đứng về phía Ukraina và nhấn mạnh đến vị trí của quốc gia này trong khối Châu Âu. Song Ukraina như vừa nói là một cường quốc nông nghiệp, mà mại không phải tuân thủ các chuẩn mực hay quy định nghiêm ngặt của Liên Hiệp Châu Âu về môi trường, về sinh thái, về các điều khoản vệ sinh, y tế …. Lao động của Ukraina rẻ hơn nhiều so với trong khối 27 nước thành viên Liên Âu. Thành thử nhiều lĩnh vực nông nghiệp của châu Âu cạnh tranh không lại với nông phẩm Ukraina. Thí dụ như ban đầu ngũ cốc của Ukraina đánh bại hàng từ phía các nước đông Âu, rồi tới gà Ukraina rẻ hơn so với của các nước Tây Âu, thế rồi đường, lúa mì của Ukraina rẻ hơn so với giá thành ở Pháp…. Đến một lúc nào đó, nông gia châu Âu phẫn nộ …

    Phòng Nông Nghiệp Pháp ghi nhận : Năm 2022, hơn 50 % trứng gà Ukraina bán ra cho thế giới bán sang Liên Hiệp Châu Âu. Xuất khẩu của Ukraina sang thị trường châu Âu trên mặt hàng này đã nhân lên gấp 10 trong vòng một năm. Trước khi Nga xâm lược Ukraina, chỉ có 20 % đường cát sản xuất tại Ukraina được dành để bán sang Liên Âu. Dưới tác động chiến tranh, tỷ lệ đó tăng lên tới 74 %

    Điều khiến nhiều thành viên trong Liên Hiệp Châu Âu bất bình là sau hai năm chiến tranh, Ukraina đã thích nghi với tình huống, giao thương hàng hải ở Biển Đen không còn bị đứt quãng như trong nửa đầu năm 2022. Lạm phát vẫn tồn tại và giá nhu yếu phẩm tại một số quốc gia vẫn còn cao, nhưng giá một tấn lúa mì giờ đây đã giảm đi hơn 50 % so với những tháng đầu cuộc chiến. Thậm chí, các hoạt động ở những bến cảng Ukraina chung quanh Biển Đen đã phục hồi và tìm lại được « nhịp độ như trước tháng 2/2022 ».

    Do vậy, Kiev khó chỉ trích Bruxelles ích kỷ khi mà Ủy Ban Châu Âu « điều chỉnh lại » các biện pháp hỗ trợ nông nghiệp cho Ukraina. Đó là chưa kể bài toán của Liên Âu càng thêm khó hơn hai tháng trước bầu cử Nghị Viện. Khuynh hướng chung là các đảng cực tả và cực hữu khai thác phẫn nộ của nông dân châu Âu để kiếm phiếu. 

    Tue, 26 Mar 2024
  • 164 - Giải quyết nợ ở cấp địa phương Trung Quốc : Thất bại được báo trước

    Khóa họp Lưỡng Hội Trung Quốc 2024 kết thúc với kết quả « 3 Không » : « Không thuyết phục được giới đầu tư quay lại Hoa Lục ; Không đạt được mục tiêu tăng trưởng 5 % và Không có chính sách kinh tế rõ ràng ». Chuyên gia về Trung Quốc, sáng lập viên cơ quan tư vấn Cercius tại Montréal, Canada, Alex Payette nhận xét như trên về sự kiện chính trị vừa khép lại tại Bắc Kinh hôm 11/03/2024.   

    Cho dù lần này thủ tướng Lý Cường đã không họp báo như thông lệ bên lề khóa họp Quốc Hội nhưng trong phiên khai mạc hôm 05/03/2024, như mọi năm, chủ tịch Quốc Vụ Viện thông báo mục tiêu tăng trưởng và Bắc Kinh dự phóng GDP năm nay tăng 5 %. Tuy nhiên không một nhà quan sát nào tin vào con số đó. Các nhà đầu tư thất vọng trước những thông báo bị cho là « trống đánh xuôi, kèn thổi ngược » của Bắc Kinh trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng và cũng không ai tin tưởng vào mục tiêu giải quyết nợ cho các chính quyền địa phương, đã tương đương với 50 % GDP của Trung Quốc theo thẩm định của nhiều cơ quan tài chính quốc tế.

    Mục tiêu tăng trưởng 5 % KHÔNG có cơ sở

    Trước hết về về mục tiêu tăng trưởng được ông Lý Cường loan báo, giám đốc và đồng sáng lập viên cơ quan tư vấn Cercius cho rằng chỉ tiêu GDP tăng 5 % cho năm 2024 « không thực tế ». Lý do là tiêu thụ nội địa không khởi động lại từ sau đại dịch Covid mà đây là hệ quả từ khủng hoảng địa ốc kéo dài. Nhìn đến xuất khẩu, các chỉ số đều cho thấy hoạt động tăng chậm lại khi mà hai thị trường lớn nhất là Mỹ và châu Âu thận trọng hơn với hàng rẻ Trung Quốc, khi mà bất ổn ở Hồng Hải gây xáo trộn các tuyến đường giao thương trên biển trong lúc mà tiêu thụ ở châu Phi, tại Đông Nam Á và cả Nga đã không tăng nhanh như mong muốn.

    KHÔNG có những biện pháp cụ thể chặn chẩy máu đầu tư

    Vẫn về kinh tế, điểm thứ nhì khóa họp Chính Hiệp và Quốc Hội Trung Quốc lần này gây thất vọng là « ngoại trừ một vài con số và khẩu hiệu được đưa ra », về thực chất sự kiện vừa rồi đã « không cung cấp bất kỳ một thông tin nào đáng chú ý về chính sách của Trung Quốc cho năm nay ». Thất vọng hơn nữa theo chuyên gia Alex Payette là vào lúc tình hình kinh tế đang xấu đi và giới quan sát chờ đợi Bắc Kinh phải đưa ra một số biện pháp mạnh để « điều chỉnh » lại tình hình, thí dụ như là ngăn chận hiện tượng « chảy máu tư bản » khỏi Hoa Lục, thì chỉ thấy Bắc Kinh cảnh báo sẽ gia tăng kiểm soát hoạt động của các thị trường tài chính.

    Mới chỉ một vài năm trước đây, các kỳ hợp Lưỡng Hội diễn ra trong vòng từ 10 đến 15 ngày, thì lần này sự kiện chính trị đó đã bị thu gọn trong đúng 1 tuần lễ, rồi sự kiện thủ tướng Lý Cường -người quản lý các bộ và cơ quan ngang bộ, hủy cuộc họp báo thường niên, như thể Lưỡng Hội và Quốc Vụ Viện « chỉ còn là cái vỏ rỗng », thực quyền và vai trò của bộ phận này đã « được dịch chuyển đi nơi khác ».

    Hệ quả là cho dù các bộ trưởng trưởng liên quan, các giới chức kinh tế, tài chính tổ chức một  họp báo hôm 06/03/2024 với sự tham gia của bộ trưởng Thương Mại, Tài Chính, Thống Đốc Ngân Hàng Trung Ương và Chủ Tịch Ủy Ban Điều Tiết Chứng Khoán ...Các quan chức cao cấp này đã đề cập đến những hồ sơ như định hướng phát triển, hỗ trợ thương mại, đầu tư, điều tiết thị trường tài chính, ngân sách nhà nước …. Nhưng theo giới phân tích, kết thúc cuộc họp báo đường lối sắp tới của Trung Quốc vẫn là một « chiếc hộp đen ».

    Trả lời RFI Việt ngữ, từ Montréal- Canada, chuyên gia về Trung Quốc Alex Payette giải thích rõ hơn :

    Alex Payette : « Trong cuộc họp báo (hôm 06/03/2024), ông Ngô Thanh (Wu Qing), chủ tịch Ủy Ban Điều Tiết Chứng Khoán Trung Quốc đã đưa ra một số thông báo liên quan đến thị trường tài chính, đến lĩnh vực địa ốc và ngân hàng. Ông cam kết là sẽ ‘nghiêm ngặt trừng phạt’ những nhà đầu cơ làm lũng đoạn thị trường và xem việc bảo vệ các cổ đông cò con là một ‘ưu tiên’. Những tuyên bố này dễ hiểu trong bối cảnh nhiều cổ đông tư nhân đang phẫn nộ vì bị thua lỗ quá nhiều trong thời gian gần đây nhưng cam kết kiểm soát chặt chẽ hơn nữa các hoạt động mua bán bất động sản, trong giới ngân hàng … không nhằm trấn khuyến khích đầu tư vào Trung Quốc. Giới quan sát cũng đã thất vọng vì kết thúc khóa họp lưỡng hội, chính quyền Bắc Kinh không hề đưa ra bất kỳ một đường lối rõ ràng nào về chính sách tài chính và kinh tế của Trung Quốc trong tương lai ».

    Alex Payette sở dĩ chú ý đến phát biểu của chủ tịch Ủy Ban Điều Tiết Chứng Khoán Trung Quốc Ngô Thanh, do ông này vừa được bổ nhiệm hồi đầu tháng 2/2024 và nổi tiếng là nghiêm khắc, ông từng mạnh tay « khai tử những con vịt què trên các sàn chứng khoán ». Ông Ngô Thanh còn chủ trương kiểm soát chặt chẽ hơn nữa tất cả những doanh nghiệp muốn tham gia sàn chứng khoán. Về thực chất theo Alex Payette, « lành mạnh hóa »thị trường tài chính là điều chính đáng và quả là từ khi ông được chỉ định điều hành ủy bàn này, chỉ số  tài chính ở Thượng Hải đã tăng lên 14 % sau khi đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ 2019. Có điều chủ trương « gia tăng kiểm duyệt » tài chính đó không chắc sẽ có sức thu thút đầu tư của Trung Quốc và nước ngoài vào lúc mà Trung Quốc đang bị thất thoát vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI. Cũng không chắc đường lối này giúp Trung Quốc nhanh chóng trở thành một « cường quốc tài chính » như tham vọng từng được ông Tập Cận Bình đề xướng.

    KHÔNG chắc Trung Quốc muốn giải quyết nợ LGFV 

    Nhưng điểm khiến đồng sáng lập viên cơ quan tư vấn Cercius lo ngại hơn cả là những mâu thuẫn trong phát biểu của bộ trưởng tài chính Lam Phật An (Lan Po’An), vừa đòi các chính quyền địa phương cắt giảm chi tiêu, vừa loan báo Bắc Kinh phát hành công trái phiếu, bơm thêm 1.000 tỷ nhân dân tệ (138 tỷ đô la) để kích cầu, thí dụ như là để « đẩy mạnh đầu tư vào các hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật số » vì đó là công nghệ của tương lai. :

    Alex Payette : « Trung Quốc không có sự chọn lựa nào khác là phải phát triển công nghệ số bởi vì thứ nhất các hoạt động công nghiệp truyền thống không còn có tương lai. Không còn mấy ai muốn lam lũ làm việc trong các nhà máy như 10 hay 20 năm trước nữa. Thứ nhì, là công nghệ kỹ thuật số đang là một lĩnh vực của tương lai, không cần quá nhiều nguồn lực mà lại có triển vọng nhanh chóng thu hồi vốn đầu tư và có lãi nhiều. Thành thử chúng ta dễ hiểu khi mà Trung Quốc dồn nỗ lực để phát triển công nghệ ». 

     

    "Đi vay thêm nợ để trả nợ"

    Nhưng vừa cắt giảm chi tiêu vừa đi vay thêm để thúc đẩy tăng trưởng, liệu có là một cái vòng luẩn quẩn báo trước Trung Quốc không bao giờ thanh toán được bớt nợ, nhất là những khoản nợ « không chính thức » mà các chính quyền địa phương đã đi vay dưới dạng trái phiếu mà không được Trung Ương đứng ra bảo lãnh, gọi tắt theo tiếng Anh là LGFV ? 

    Alex Payette : « Chúng tôi ghi nhận hai thông điệp hoàn toàn trái ngược nhau về tình hình tài chính của Trung Quốc. Trong cuộc họp báo, bộ trưởng Tài Chính Lam Phật An cho biết Bắc Kinh sẽ phát hành công trái phiếu trong dài hạn để tài trợ rất nhiều dự án phát triển trong những lĩnh vực khác nhau, vì mục tiêu hỗ trợ kinh tế, vì mục tiêu phát triển cơ sở hạ tầng trong công nghệ kỹ thuật số, vì mục tiêu phát triển công nghệ cao …. . Nhưng ngay sau đó cũng vị bộ trưởng này tuyên bố chủ trương cắt giảm chi tiêu, tiết kiệm ngân sách. Ông Lam đã trực tiếp chỉ trích các chính quyền địa phương, từ lâu nay vay mượn quá trớn để tài trợ hàng loạt các dự án xây dựng vô cùng tốn kém mà xây dựng xong thì cũng không biết là để làm gì. Hệ quả kèm theo là giờ đây các chính quyền địa phương ở Trung Quốc đang ngồi trên những núi nợ khổng lồ. Nhìn dưới góc độ đó, kêu gọi « thắt lưng buộc bụng » là hoàn toàn có cơ sở (…)

    Điều mà bộ trưởng Tài Chính Trung Quốc không nói ra ở đây là nợ mà các chính quyền cấp vùng, cấp tỉnh đi vay là để thanh toán nợ đáo hạn cho các ngân hàng, để trả tiền lương cho công nhân viên chức nhà nước, để tiếp tục đài thọ cho một số công trình xây dựng đang bị bỏ dở ... Vậy nếu ngân sách của các chính quyền địa phương thì hậu quả sẽ ra sao ? Kinh tế địa phương lại còn tiếp tục đổ dốc thêm nữa. Thế rồi khi mà chính phủ thông báo giải ngân 1.000 tỷ nhân dân tệ để tài trợ cho các chương trình đầu tư lâu dài … thì số tiền đó sẽ được sử dụng vào việc gì ? Trung Quốc đã bị lôi vào vòng xoáy nợ nần, nhưng vẫn thông báo phát hành thêm công trái phiếu dài hạn để tài trợ cho các dự án phát triển …. Nợ lại càng lớn thêm lên thôi ! Thành thử những thông điệp từ đại hội vừa rồi đầy mâu thuẫn và Bắc Kinh lại chuẩn bị bơm thêm tiền vào cho các chính quyền địa phương để có được thành tích tăng trưởng một cách giả tạo ».  

    Giải quyết nợ LGFV : nhiệm vụ bất khả thi 

    Chiến thuật « một bước tiến, hai bước lùi » nói trên của Bắc Kinh khiến Nikkei Asia, báo tài chính Nhật Bản (ngày 18/03/2024) cho rằng những nỗ lực để giải quyết núi nợ hơn cả chục ngàn tỷ đô la của các chính quyền địa phương Trung Quốc đều sẽ thất bại.

    Bắc Kinh ý thức được là không còn nhiều thời gian khi mà  khối nợ « không chính thức » LGFV, ước tính lên tới từ 10.000 đến 12.000 tỷ đô la (tương đương với 2 lần GDP của toàn nước Đức và bằng 50 % so với GDP của Trung Quốc). Từ nửa cuối 2023, Bắc Kinh đã có một số biện pháp « hỗ trợ các chính quyền ở cấp tỉnh tái cơ cấu nợ, giảm thiểu nguy cơ mất khả năng thanh toán ». Hiện tại Trung ương can thiệp theo 2 phướng : một là huy động các ngân hàng nhà nước đứng ra bảo lãnh một phần khối nợ LGFV (với lãi suất hơn 10 %)  và giải pháp thứ nhì là kêu gọi các tỉnh thành đi vay thêm để thanh toán nợ đáo hạn. Ngay chính các chuyên gia Trung Quốc được báo Nhật Nikkei Asia và tờ báo tài chính Trung Quốc Caixin trích dẫn đồng loạt ghi nhận đấy chỉ là những « giải pháp tạm thời ». Vấn đề nợ của Trung Quốc chỉ có thể được giải quyết một khi mà các khoản « chi, thu » và cả « trách nhiệm » giữa cấp trung ương và địa phương được « san sẻ một cách cân đối hơn ».  

    Bên cạnh những thất vọng vừa nêu sau khóa họp Lưỡng Hội lần này tại Bắc Kinh, Alex Payette tuy nhiên cũng nhắc lại; thông thường vai trò của Chính Hiệp và Quốc Hội Trung Quốc không nhằm đề xuất các chính sách hay các biện pháp cải tổ. Cuộc họp này chỉ nhằm nhắc lại những đường lối chính đã được thông qua trong các cuộc họp kín của Đảng trước đó. Có điều lần này khóa họp từ ngày 04-05 đến 10 và 11/03/2024 tuyệt đối không « nói lên được một điều gì »ngoại trừ khả năng là ở trong hậu trường, ngay cả trên vấn đề kinh tế, các giới chức Trung Quốc dường như cũng đang có một cuộc đấu đá ác liệt để ghi điểm với ông Tập Cận Bình.

    Đồng sáng lập viên cơ quan tư vấn Cercius không loại trừ khả năng thủ tướng Lý Cường đang trong tư thế khá tế nhị : hoặc là vai trò của ông điều hành các hoạt động kinh tế đang bị thu hẹp lại, hoặc là nhân vật này chịu áp lực lớn đến nỗi tự ý hủy cuộc họp báo thường niên trong dịp này. 

    Tue, 19 Mar 2024
Mostrar mais episódios