Filtrer par genre

Tạp chí kinh tế

Tạp chí kinh tế

RFI Tiếng Việt

Hồ sơ kinh tế nổi bật, kinh nghiệm hoạt động của giới doanh nhân

173 - Thấy gì từ việc Trung Quốc tích trữ vàng ?
0:00 / 0:00
1x
  • 173 - Thấy gì từ việc Trung Quốc tích trữ vàng ?

    Năm 2023, một phần tư lượng vàng mà tất cả các Ngân Hàng Trung Ương trên thế giới mua vào, đã đổ về kho dự trữ của Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc tại Bắc Kinh. Có thêm 230 tấn, kho vàng của định chế này trong một năm tăng thêm 10 %. Làm sao giải thích cơn sốt vàng tại Trung Quốc, tiền đề cho tiến trình « phi đô la hóa » ? Trước chiến tranh Ukraina, Nga cũng đã tập trung tích trữ vàng. 

    Trung Quốc đang đẩy giá vàng lên cao, hiện dao động ở ngưỡng 2.300 -2.400 đô la/Oz (1 ounce Oz = 28,34 gram). Những biến động về địa chính trị trên thế giới, cộng thêm với dự báo Cục Dự Trữ Liên Bang Hoa Kỳ, Fed hạ lãi suất chỉ đạo khiến « vàng » càng trở nên hấp dẫn.

    Trung Quốc, nam châm hút vàng của thế giới

    Tính đến tháng 5/2024, Trung Quốc trong 18 tháng liên tiếp « trang bị thêm vàng » cho quỹ dự trữ của Ngân Hàng Trung Ương. Trong tháng 1 và 2/2024, một mình Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc mua thêm 22 tấn vàng, như báo cáo của hiệp hội World Gold Council ghi nhận. Trong cả năm 2023, định chế này mua vào 225 tấn vàng : một kỷ lục! 

    Hiện tại, 2.257 tấn vàng đang ngủ yên trong quỹ dự trữ của Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc. RFI tham khảo ý kiến của bà Isabelle Feng, chuyên về tài chính, ngân hàng thuộc trung tâm nghiên cứu Perelman, Đại Học Bruxelles của Bỉ để hiểu thêm về cơn sốt vàng tại Trung Quốc. Bà Isabelle Feng cũng là cộng tác viên của Trung Tâm Nghiên Cứu về châu Á, Asia Center, tại Paris :

    « Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc đã rất năng động trên thị trường. Năm 2023, Trung Quốc mua vào hơn 200 tấn vàng, một kỷ lục trên thế giới như vừa nói, nâng dự trữ vàng trong kho lên thành hơn 2000 tấn. Nhưng khi nhìn sâu hơn vào vấn đề, chúng thấy Bắc Kinh cần tích trữ vàng vì ba lý do : một là để giảm thiểu mức độ phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ ; hai là giữ giá cho đơn vị tiền tệ của Trung Quốc vào lúc mà đồng nhân dân tệ đang bị trượt giá so với đô la. Lý do thứ ba là lượng vàng trong kho dư trữ của Ngân Hàng Trung Ương là một biểu tượng của sức mạnh kinh tế. Tại các nước phát triển, trung bình kho vàng tương đương với từ 17 đến 20 % toàn bộ tài sản quốc gia. Năm 2022, có ba quốc gia trên thế giới là Mỹ, Đức và Ý nắm giữ một khối lượng vàng tương đương với 60 % quỹ dự trữ của Ngân Hàng Trung Ương ; Pháp là 40 %. Trong khi đó, dù đã mua vào rất nhiều vàng trong thời gian gần đây, khối vàng của Trung Quốc mới chỉ tương đương với 4,6 %. Đó là một tỷ lệ rất, rất thấp. Để so sánh, trước khi nổ ra chiến tranh Ukraina, kho vàng của Nga tương đương với 1/3 quỹ dự trữ ».

    680 tấn vàng để tiết kiệm

    Vẫn theo World Gold Council, cũng trong năm 2023, bên cạnh khối lượng hơn 220 tấn vàng Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc nắm giữ, còn phải kể đến 680 tấn vàng người dân Trung Quốc tích lũy dưới dạng vàng lá, vàng thoi và nhất là nữ trang. Và đây cũng là một kỷ lục.

    Theo bảng xếp hạng trên thế giới, Trung Quốc và Ấn Độ là hai quốc gia có truyền thống mua vàng nhiều nhất, nhưng năm ngoái, nhu cầu sắm nữ trang ở Trung Quốc tăng thêm 10 % thì trái lại, dân Ấn Độ có vẻ lơ là hơn : tiêu thụ tại quốc gia nam Á này giảm 6 % trong năm 2023. Isabelle Feng nhấn mạnh đến nét đặc thù của thị trường vàng ở Trung Quốc :

    « Nguồn mua vàng đầu tiên, cho đến hiện tại là chính phủ, thế nhưng trong thời gian gần đây, báo chí nói nhiều đến hiện tượng tư nhân đua nhau tích trữ vàng, họ mua nữ trang. Điều này phản ánh thực trạng kinh tế của Trung Quốc và có nhiều cách biệt so với 5 năm trước đây. Kinh tế Trung Quốc giờ đây ảm đạm vì khủng hoảng địa ốc kéo dài, do tăng trưởng bị hủy hoại sau ba năm Trung Quốc đóng cửa kinh tế để chống dịch. Theo các báo cáo của chính phủ, hồi năm 2022, lĩnh vực địa ốc chiếm 70 % tài sản của một hộ gia đình. Giá nhà đất sụt giảm coi như dân chúng bị khánh tận. Do vậy, những ai còn một chút khả năng, tôi xin nhấn mạnh ở điểm này, thì họ tập trung mua vàng. Đây là cách duy nhất để tiết kiệm, bởi vì người ta không còn tin tưởng vào tương lai, vào các sàn chứng khoán… Các thị trường chứng khoán mất giá mạnh trong thời gian gần đây. Ngay cả sàn giao dịch Hồng Kong cũng đã mất giá 40 % so với cách nay 5 năm.

    (...) Thêm một yếu tố khác nữa là người dân Trung Quốc bị giới hạn trong việc mua vào ngoại tệ. Theo quy định, hàng năm, mỗi người chỉ được mua vào tối đa 50.000 đô la. Tức là nếu có nhiều tiền, người ta cũng không thể tích trữ được ngoại tệ quá ngưỡng 50.000 đô la đó. Thành thử vàng là phương tiện cuối cùng để tiết kiệm tiền, khi mà công luận không còn tin tưởng vào các doanh nghiệp… »

    Theo các thống kê, « trong 2 năm qua Trung Quốc nhập khẩu hơn 2800 tấn vàng, tương đương với 1/3 khối vàng Hoa Kỳ đang được cất giữ trong kho của Federal Reserve». Như chuyên gia Feng vừa nêu, trong bối cảnh giá vàng trên thị trường quốc tế đang cao, đồng nhân dân tệ Trung Quốc mất giá so với đô la, kinh tế Trung Quốc ảm đảm vậy mà một phần dân chúng vẫn đua nhau mua vàng. Điều đó cho thấy trong ngắn hạn, bản thân người dân Trung Quốc cũng không mấy tin tưởng vào tăng trưởng của nước nhà và điều này phản ánh tâm trạng bi quan của xã hội.

    Vàng : mục tiêu phi đô la hóa

    Trở lại với cơn sốt vàng của Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc, theo hãng tin Mỹ Bloomberg, song song với hiện tượng nói trên, Bắc Kinh liên tục bán bớt một phần công trái phiếu của Mỹ mà họ đang nắm giữ.

    Đầu năm 2024, Trung Quốc chỉ còn nắm giữ 775 tỷ đô la công trái phiếu của Mỹ, thay vì 1.100 tỷ như cách nay ba năm. Hãng tin Đức Deutsche Welle nhắc lại, như hầu hết các quốc gia trên thế giới, « Trung Quốc lệ thuộc nhiều vào đô la trong các khoản giao dịch thương mại » và nhất là đến nay đô la Mỹ vẫn là thước đo lường trong các hoạt động xuất nhập khẩu năng lượng và nguyên liệu, được dùng để thanh toán « 50 % tổng trao đổi thương mại toàn cầu ». Cơn sốt vàng của Trung Quốc do vậy được hiểu như là bước đầu để Bắc Kinh « cai nghiện đô la ».

    Cùng với động tác từng bước tách rời khỏi quỹ đạo của đô la Mỹ, Trung Quốc vận động khối các nền kinh tế đang trỗi dậy BRICS, các nước đang phát triển và giao thương nhiều với Trung Quốc sử dụng đồng nhân dân tệ nhiều hơn. Lý do chính là Bắc Kinh cũng như nhiều nước « phương Nam » đã rút ra được những bài học từ kinh nghiệm của Nga bị Âu Mỹ trừng phạt vì xâm chiếm Ukraina.

    Do vậy, như chuyên gia Isabelle Feng vừa nêu, Trung Quốc đang thực hiện mục tiêu áp đặt đơn vị tiền tệ của mình để củng cố vị thế kinh tế và địa chính trị với phần còn lại của thế giới : Nhờ có đồng đô la mà Hoa Kỳ đi vay với lãi suất rẻ hơn bất kỳ một quốc gia nào khác. Washington lại rộng đường sử dụng đơn vị tiền tệ này như một công cụ ngoại giao, thậm chí là vũ khí để áp đặt các lệnh trừng phạt với những đối thủ - và kể cả với các đồng minh, của Hoa Kỳ.

    Tách rời khỏi đô la vì một ý đồ quân sự ?  

    Giới phân tích nhận định : « Chắc chắn là yếu tố quyết định, khiến các ngân hàng trung ương trên thế giới đa dạng hóa các nguồn dự trữ ngoại tệ ». Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhiều lần khẳng định mục tiêu thống nhất Đài Loan kể cả bằng sức mạnh quân sự. Điều đó khiến một số nhà quan sát nhắc lại là trước khi quyết định xâm chiếm Ukraina, Matxcơva từ 2008, sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, đã lặng lẽ tích trữ vàng, chiến lược này đã tăng tốc từ sau khi Nga thôn tính bán đảo Crimée của Ukraina hồi năm 2014. Hiệp hội World Gold Council nhắc lại, trong giai đoạn 2014-2022 Ngân Hàng Trung Ương Nga đứng đầu bảng trong số các nguồn tiêu thụ vàng của thế giới và hiện tại, nước Nga nắm giữ hơn 2.300 tấn vàng, tương đương với « 20 % dự trữ vàng của các Ngân Hàng Trung Ương trên thế giới ». 

    Vậy phải chăng Bắc Kinh cũng đang tích trữ vàng để chuẩn bị cho kịch bản đối đầu quân sự với phương Tây ? Isabelle Feng phân tích :

    « Trung Quốc đã trông thấy phương Tây mạnh tay trừng phạt kinh tế Nga như thế nào một khi Matxcơva đưa quân sang Ukraina. Đương nhiên là chúng ta thường nghĩ rằng đây là một bài học quý giá đối với Trung Quốc, khi biết rằng Bắc Kinh có tham vọng thôn tính Đài Loan. Rất có thể là Trung Quốc chuẩn bị cho kịch bản đó và muốn độc lập với quỹ đạo đô la của Hoa Kỳ.

    Nhưng xin lưu ý một số những khác biệt giữa trường hợp của Nga và Trung Quốc : như vừa nói, một phần nhu cầu mua vàng của Trung Quốc là do người dân bình thường muốn tiết kiệm. Họ xem vàng là một phương tiện dự trữ an toàn. Điểm thứ nhì là Trung Quốc không bị cô lập như Nga. Từ năm 2014, khi Nga thôn tính bán đảo Crimée, Âu - Mỹ đã ban hành các biện pháp trừng phạt Matxcơva. Với Bắc Kinh thì hoàn toàn khác : Trung Quốc không bị cô lập. Năm 2016 đồng nhân dân tệ tham gia rổ tiền tệ của quỹ IMF, được công nhận là quyền rút vốn đặc biệt tương tự như đô la Mỹ, euro của châu Âu, yen của Nhật Bản hay đồng franc Thụy Sĩ.

    Do vậy, theo tôi, Trung Quốc tích trữ vàng chủ yếu là để thực hiện ý đồ phi đô la hóa, để ổn định đơn vị tiền tệ quốc gia và nhất là để khẳng định vị thế kinh tế của mình ».

    Tue, 21 May 2024
  • 172 - Công nghiệp : Trung Quốc trong thế đối đầu với Liên Âu

    Không có dấu hiệu hòa hoãn giữa Bắc Kinh với Bruxelles về thương mại và ngoại giao sau chuyến công du châu Âu đầu tiên của lãnh đạo Trung Quốc từ sau đại dịch Covid-19. Vẫn cần giữ thị trường châu Âu, ông Tập Cận Bình cảnh cáo Liên Âu nên « đánh giá đúng đắn về Trung Quốc » khi bị cáo buộc cạnh tranh bất bình đẳng. Bắc Kinh tiếp tục đẩy mạnh chiến lược phát triển công nghiệp mũi nhọn nhờ khai thác những nhược điểm của châu Âu.

    Ngày 10/05/2024 chủ tịch Tập Cận Bình kết thúc vòng công du ba nước châu Âu với các chặng dừng tại Pháp, Serbia và Hungary. Tiếp đón lãnh đạo Trung Quốc tại thủ đô Budapest, thủ tướng Hungary Viktor Orban, một thành viên của Liên Âu đã mạnh mẽ tuyên bố : « Thế giới đa cực đã có một trật tự mới mà ở đó Trung Quốc là một trong những cột trụ. Quốc gia này định hướng cho các hoạt động kinh tế và chính trị của thế giới ». Theo chuyên gia Pháp về Trung Quốc, Valérie Niquet, Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược FRS câu nói này của Viktor Orban « là tất cả những gì Tập Cận Bình chờ đợi ».

    Trung Quốc trực tiếp đối đầu với Liên Âu

    Trung Quốc, Liên Âu và toàn cảnh thế giới đã có nhiều thay đổi trong 5 năm qua, từ lần cuối chủ tịch Tập Cận Bình đặt chân lên Lục Địa Già : sau đại dịch Covid Trung Quốc không còn là điểm đầu tư lý tưởng trong măt các doanh nghiệp phương Tây. Bruxelles và Washington cùng chủ trương giảm lệ thuộc vào hàng hóa Trung Quốc, « giảm thiểu rủi ro » khi Trung Quốc đã trở thành mắt xích quá lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

    Bản thân Trung Quốc từ 2019 đến nay cũng đã trải qua nhiều thay đổi : Cuộc đọ sức Mỹ -Trung không hề thuyên giảm và Hoa Kỳ từng bước khép chặt cửa với công nghệ cao của Trung Quốc. Cùng lúc, kế hoạch « Made in China 2025 » bắt đầu đem lại kết quả. Trung Quốc đã trở thành một cường quốc công nghiệp cao cấp, mà điển hình là đang dẫn đầu thế giới trong ngành ô tô điện và pin mặt trời.

    Về đối nội, trái với mong đợi, tăng trưởng tại Trung Quốc không khởi sắc trở lại sau 3 năm đóng cửa chống dịch và khủng hoảng niềm tin vào tương lai làm thui chột tiêu thụ nội địa. Lối thoát còn lại là xuất khẩu. Do vậy giám đốc đặc trách về Châu Á Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp IFRI Marc Julienne trên đài phát thanh France Info hôm 06/05/2024 nhấn mạnh đến trọng lượng kinh tế và thương mại của Liên Âu đối với khu vực sản xuất và xuất khẩu của Trung Quốc hiện tại :

    « Kinh tế Trung Quốc đã bị chặt mất một chân vì khủng hoảng địa ốc. Thêm vào đó là thất nghiệp rất cao nơi giới trẻ. Bắc Kinh đang đối mặt với nhiều khó khăn kinh tế. Khách hàng số 1 của Trung Quốc là Liên Hiệp Châu Âu và thị trường lớn thứ nhì là Mỹ. Nhưng Hoa Kỳ đã từng bước đóng cửa với hàng của Trung Quốc đặc biệt là cấm nhập khẩu ô tô điện do Trung Quốc sản xuất, cấm sử dụng công nghệ thông tin của Hoa Vi… Thành thử, vai trò của Liên Âu lại càng lớn hơn trong mắt các nhà sản xuất Trung Quốc so với trước đây ».

    Nhà nghiên cứu Yu Jie, chuyên gia về Châu Á Thái Bình Dương Viện Nghiên Cứu Quốc Tế Hoàng Gia Anh -Chatham House (09/05/2024) ghi nhận chủ tịch Tập Cận Bình trở lại châu Âu vào thời điểm « mô hình kinh tế Trung Quốc trong giai đoạn chuyển tiếp (…) lấy xuất khẩu hàng công nghiệp cao cấp làm kim chỉ nam (…) mà Liên Âu là một thị trường tiêu thụ mang tính sống còn ». Đồng thời trong tiến trình chuyển đổi đó, các doanh nghiệp Trung Quốc trực tiếp đối đầu với các đại tập đoàn của châu Âu.

    Bắc Kinh hoàn toàn ý thức được rằng Liên Âu đang bị chiến tranh Ukraina chi phối, 27 thành viên khối này vẫn phải đối mặt với lạm phát từ cuộc chiến Nga gây nên và vẫn chưa hoàn toàn phục hồi sau khủng hoảng y tế xuất phát từ Vũ Hán.

    Trả lời đài truyền hình Pháp France24 (ngày 10/05/2024) chuyên gia Isabelle Feng, trung tâm nghiên cứu Perelman, Đại Học Bruxelles - Bỉ cho rằng, Paris chặng dừng đầu tiên vòng công du ba nước châu Âu của chủ tịch Trung Quốc vừa qua, về mặt chính thức là để kỷ niệm 60 năm quan hệ song phương nhưng, giá trị thực sự của nước Pháp trong mắt ông Tập là trọng lượng của Paris trong Liên Hiệp Châu Âu :   

    « Nếu nhìn đến đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc, năm 2023 chỉ số này đã rơi xuống mức thấp bằng với hồi 30 trước đây. Chuyến công du Pháp của ông Tập Cận Bình lần này cho thấy giai đoạn các bên rầm rộ thông báo ký kết những hợp đồng khổng lồ đã thuộc về quá khứ. Tuy nhiên Bắc Kinh muốn vận động để Liên Âu nới lỏng gọng kềm đối với hàng của Trung Quốc dễ dàng đổ vào thị trường châu Âu. Pháp không là một đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc, chỉ là nguồn cung cấp đứng thứ 28 và xếp hạng 23 trong số các khách mua vào hàng của Trung Quốc. Đối với Paris, Bắc Kinh cũng không là một đối tác thương mại quá lớn bởi vì Trung Quốc chỉ mua vào có 4 % xuất khẩu của Pháp ra toàn thế giới. Nhưng tiếng nói của nước Pháp có trọng lượng trong Liên Hiệp Châu Âu vào lúc mà Bruxelles nhắm vào ô tô điện của Trung Quốc và ông Tập Cận Bình thì đang bận tâm vì khả năng sản xuất công nghiệp dư thừa của Trung Quốc và do vậy phải tìm cách thanh lý hàng tồn đọng …».

    « Trung Quốc không còn cần nhiều FDI của châu Âu »

    Theo báo cáo của Phòng Thương Mại Châu Âu tại Bắc Kinh công bố hôm 10/05/2024 các doanh nghiệp châu Âu không còn xem Trung Quốc là một điểm đến lý tưởng : chỉ có 13 % những doanh nhân được hỏi vẫn gắn bó với Hoa Lục. Cuối 2022 tỷ lệ này là 25 %. Một trong những lý do giải thích cho khác biệt nói trên là « tính thiếu minh bạch » của luật pháp Trung Quốc về luật đầu tư nước ngoài, là sức mua kém hấp dẫn của thị trường với gần 1,5 tỷ dân, là căng thẳng kinh tế và thương mại với Hoa Kỳ và sự thận trọng của Liên Âu.

    Denis Jacquet, sáng lập viên chương trình Top Cream chuyên tổ chức hội thảo dành riêng cho giới doanh nhân không ngạc nhiên trước hiện tượng đầu tư vào Trung Quốc sụt giảm mạnh :  

    « Thực ra Trung Quốc không còn cần đầu tư trực tiếp nước ngoài nhiều như trước nữa –đương nhiên là vẫn cần chứ không phải là không, nhưng Trung Quốc đã có những bước tiến dài trong nhiều lĩnh vực và không còn phải dựa vào công nghệ, vào kiến thức của Liên Âu nữa. Điều không tưởng là giờ đây chính nước Đức đã phải học hỏi Trung Quốc trong một số lĩnh vực. Trung Quốc đã tự sản xuất được ô tô điện, được máy bay. Họ tự chế tạo được tên lửa và làm chủ trí tuệ nhân tạo… đương nhiên là một khi đã học hỏi được rất nhiều sau khi chiêu dụ các doanh nghiệp Âu Mỹ vào làm ăn thì giờ đây, Trung Quốc không còn cần đến các hãng ngoại quốc nữa nên đã 'mời' các doanh nhân ngoại quốc đi chỗ khác chơi »

    Tại sao phải nhượng bộ Liên Âu ?

    Theo Eric Le Boucher của tờ báo có khuynh hướng tự do và thiên hữu L’Opinion (12/05/2024) chỉ riêng về kinh tế và thương mại, Trung Quốc đã không hề nhượng bộ Liên Hiệp Châu Âu bất kỳ điều gì. Tháng trước thủ tướng Đức một thân một mình đến Bắc Kinh với hy vọng cứu vãn một số lợi ích của các hãng xe hơi nổi tiếng của Đức như BMW hay Mercedes, cứu vãn lợi ích của các công ty sản xuất máy móc sử dụng trong công nghiệp. Olaf Scholz vẫn kỳ vọng vào « quan hệ kinh tế đặc biệt song phương » để thúc đẩy tăng trưởng cho « đầu tàu công nghiệp » của Liên Hiệp Châu Âu.

    Thủ tướng Scholz ra về với kết quả không nhiều, bởi « Trung Quốc đang đương đầu với Mỹ về công nghệ kỹ thuật số, cạnh tranh trực tiếp với Đức về công nghiệp xe hơi, về robot, về máy móc … và đang chiếm lợi thế nhờ đang dẫn đầu cuộc đua trong lĩnh vực ô tô điện ».Vậy ông Tập Cận Bình có cần nhượng bộ Bruxelles trước đe dọa xe điện của Trung Quốc bị Liên Âu điều tra cạnh tranh bất bình đẳng hay không ? Trái lại giờ đây, Bắc Kinh đang có kế hoạch đẩy mạnh đầu tư vào một số nước tại Châu Âu, như Hungary chẳng hạn, để cạnh tranh ngược lại với các hãng xe hơi của Đức. 

    Tại Paris tuần qua, lãnh đạo Bắc Kinh đã tỏ ra rất « mơ hồ » khi nguyên thủ Pháp yêu cầu Trung Quốc ngừng cung cấp thiết bị điện tử giúp Nga chế tạo vũ khí để phục vụ trên chiến trường Ukraina. Tổng thống Emmanuel Macron, rồi cả chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula Von Der Leyen đã nhận được gì khi mạnh dạn đòi Trung Quốc ngừng trợ giá cho ô tô điện và pin mặt trời để xuất khẩu ồ ạt cả hai mặt hàng này sang thị trường châu Âu ?

    Giới quan sát đồng loạt cho rằng Bruxelles không còn « ngây thơ » hay dễ dãi với các nhà đầu tư Trung Quốc như trước nữa. Do vậy theo nhà nghiên cứu Yu Jie của Viện Chatham House, Luân Đôn « chủ đích của ông Tập là tránh để quan hệ với châu Âu xấu đi thêm ».Chủ tịch Trung Quốc đồng thời « khai thác những chia rẽ trong nội bộ Liên Âu (…) để phát huy tầm nhìn của Bắc Kinh về một thế giới đa cực ».

    Thâm nhập Liên Âu bằng lỗ hổng Hungary và đánh đường vòng qua Serbia

    Điển hình là sau Pháp, « tiếng nói mạnh mẽ và riêng biệt trong đại gia đình châu Âu » ông Tập Cận Bình đã bay tiếp sang Serbia và Hungary. Beograd là một mắt xích trong kế hoạch Một Vành Đai Một Con Đường. Bắc Kinh đã đầu tư hơn 11 tỷ đô la vào quốc gia trong vùng Balkan này trong giai đoạn 2009-2021. 

    Còn Budapest thành viên « bướng bỉnh trong Liên Âu », dưới chính quyền của thủ tướng Orban, Hungrary ngăn chận Liên Âu lên án Bắc Kinh bóp ngạt các quyền tự do tại Hồng Kông. Vào lúc Bruxelles điều tra để đánh thuế ô tô điện Trung Quốc thì thủ tướng Orban đón nhận đầu tư của hãng xe BYD như « một món quà tặng » ông Tập đem lại. Báo tài chính Nhật Bản Nikkei Asia nhận xét Liên Hiệp Châu Âu bị ám ảnh trước khối lượng ô tô Trung Quốc đang tồn đọng trên các bến cảng Anvers và Zeebruges của Bỉ chờ thâm nhập thị trường châu Âu. Nhưng đó chỉ là « một cái cây che khuất cánh rừng » bởi một khi mà các hãng xe Trung Quốc mở nhà máy lắp ráp tại châu Âu thì đó cũng là hồi kết của cả ngành công nghiệp xe hơi châu Âu.

    Trong vài năm sức mạnh của các nhà sản xuất pin mặt trời Trung Quốc đã « loại gần hết các con chim đầu đàn trong ngành của châu Âu ». Nhà kinh tế Anthony Morlet Lavidalie công ty tư vấn Rexecode trụ sở tại Paris báo động « Trung Quốc đang vươn lên trong rất nhiều những lĩnh vực công nghiệp cao cấp nơi mà tới nay châu Âu luôn dẫn đầu ».

    Theo giáo sư kinh tế đại học Clermont-Auvergne, Mary Françoise Renard trên đài truyền hình France24 bất cân đối trong cán cân thương mại giữa Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc giờ đây là hậu quả từ những tính toán sai lầm trong chiến lược phát triển của Bruxelles :

    « Liên Hiệp Châu Âu không ngây thơ mà chỉ là Bruxelles đã mải miết lo phục vụ những lợi ích ngắn hạn của khối này cho nên Liên Âu đã không có hẳn một chính sách công nghiệp về lâu dài. Hơn nữa, trong lúc Mỹ, hay Trung Quốc là một quốc gia, thì Liên Âu là một khối với 27 thành viên với những lợi ích riêng biệt và khối này không phải lúc nào cũng đồng lòng với nhau do vậy khó mà có một tiếng nói chung để rồi Liên Âu bị đặt trước sự đã rồi ».

    Vào lúc Hoa Kỳ đã có đạo luật IRA (Inflation Reduction Act) để ngăn chận hàng Trung Quốc ồ ạt đổ vào Hoa Kỳ thì Liên Hiệp Châu Âu vẫn loay hoay đi tìm một lối thoát để không bị cuốn vào vòng xoáy của hàng cao cấp « made in China ». Ít bi quan hơn, kinh tế gia Elvire Fabry viện nghiên cứu châu Âu Jacques Delors cho rằng, Liên Hiệp Châu Âu bắt đầu tự vệ nhưng tránh áp dụng các biện pháp bảo hộ, tránh vượt ra ngoài khuôn khổ của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới và do vậy Pháp đang vận động vì một mối quan hệ mới với Trung Quốc dựa trên nguyên tắc « réciprocité- có đi có lại ».

    Trước mắt nếu như cả Pháp lẫn Liên Âu cùng không đạt được bất kỳ một nhượng bộ nào sau chuyến công du vừa qua của ông Tập Cận Bình trên vế thương mại thì chí ít, như bà Niquet bên Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược Pháp nhận định, Liên Hiệp Châu Âu đã trông thấy rõ hơn những nhược điểm của mình và qua đó là những thách thức phải vượt qua để tồn tại.  

    Tue, 14 May 2024
  • 171 - Singapore : Bề dày di sản kinh tế 20 năm của thủ tướng Lý Hiển Long

    Chuẩn bị khép lại 20 năm thời kỳ Lý Hiển Long, Singapore với 5,6 triệu dân là một trung tâm nghiên cứu uy tín trong khu vực, là một trong những quốc gia có cơ sở hạ tầng phát triển đầy đủ nhất, là một trong 5 nước « giàu nhất » thế giới, là bãi đáp của nhiều tập đoàn đa quốc gia không quá xa Hoa Lục. Thành công đó gắn kết với một chính sách ngoại giao tinh tế giữa hai siêu cường thế giới là Mỹ và Trung Quốc, với vai trò đầu tàu của ASEAN.

     

    Singapore đã dễ dàng qua mặt Hồng Kông trở thành tâm tài chính, thương mại năng động nhất của châu Á. Tôn trọng những giá trị của một nhà nước pháp quyền, Singapore là điểm đầu tư có uy tín với phương Tây.

    RFI tiếng Việt mời nhà báo Nguyễn Giang, cựu biên tập viên BBC hiện nghiên cứu tại viện Đông Nam Á ISEAS- Yusof Ishak – Singapore cùng nhìn lại 20 năm thủ tướng Lý Hiển Long cầm quyền.

    *****

    Vào lúc ông Lý Hiển Long nhường lại chiếc ghế thủ tướng cho thế hệ lãnh đạo thứ tư là ông Hoàng Tuần Tài (Lawrence Wong), các nhà quan sát đồng loạt đánh giá rất cao những thành tích kinh tế của Singpapore trong 2 thập niên qua và không quên nhắc lại thân thế của thủ tướng mãn nhiệm.  

    Kinh tế Singapore sau 20 năm cầm quyền của PAP

    Là con trai cả của cố thủ tướng Lý Quang Diệu, trước khi lên lãnh đạo chính phủ, ông Lý Hiển Long từng điều hành các bộ Thương Mại và Công Nghiệp và cũng từng đảm nhiệm vai trò phó thủ tướng. Nhờ kinh nghiệm dày dặn đó, Singapore nay đang tiên phong trong nhiều lĩnh vực chứ không đơn thuần là một trung tâm tài chính của châu Á.

    Về nội trị; ông Lý Hiển Long cổ vũ cho các giá trị châu Á, được ghi vào Cương lĩnh của Đảng Nhân dân Hành động (PAP) cầm quyền. Chính sách của chính phủ là nâng cao vị thế của Singapore trong toàn cầu hóa, nhấn lạnh tính thực tiễn, thực dụng, vì sự hài hòa sắc tộc, văn hóa của các nhóm cư dân chính : người gốc Hoa, Mã Lai, Ấn Độ và hai nhóm nhập cư: giới chuyên gia có tay nghề cao và lao động phổ thông. 

    Nguyễn Giang : « Về kinh tế, ông Lý Hiển Long được ghi nhận là để lại một di sản đáng nể cho Singapore nhờ chiến lược đầu tư khôn ngoan, dài hạn và tạo vị thế đặc biệt về thương mại quốc tế thời Toàn cầu hóa. Ông dẫn dắt Singapore bước vào thế kỷ 21 trở thành một nền kinh tế hàng đầu thế giới về kỹ thuật số, dịch vụ tài chính, tiền tệ quốc tế, hải cảng quan trọng nhất Đông Nam Á. Khi ông rời vị trí lãnh đạo, Singapore có trong tay 1,77 nghìn tỷ USD trong các quỹ chủ quyền (sovereign funds) và 480 tỷ USD trong kho dự trữ ngoại tệ (tính đến tháng 2/2024).

    Đặc biệt là sau đại dịch Covid, Singaopore không hề hụt đi đồng nào mà còn có thặng dư ngân sách liên tiếp. Giới quan sát nói ông Lý Hiển Long đã khéo léo dẫn dắt Singapore chống chọi đại dịch Covid bằng chính sách trợ cấp cho dân, giãn thuế cho doanh nghiệp, đẩy mạnh số hóa, tiêm vaccine đại trà và linh hoạt trong cách phong tỏa chống Covid, rồi nhanh chóng mở lại sinh hoạt kinh tế.

    Có thể nói, sau đại dịch, Hong Kong vì bị Trung Quốc bắt đóng cửa lâu đã mất luôn vị thế một trung tâm tài chính quan trọng của châu Á. Cùng lúc Singapore giành được cơ hội đó để vươn lên, thu hút thêm nguồn đầu tư và nhận cả một phần nguồn nhân lực cao cấp của Hồng Kông di chuyển sang Singapore sinh sống, làm ăn ».

    Thách thức về kinh tế và dân số

    RFI : Thủ tướng Lý Hiển Long, thế hệ lãnh đạo thứ ba từ khi Singapore giành được độc lập năm 1965, để lại không ít thách thức cho đảo quốc này : Singapore nổi tiếng là nơi có đời sống đắt đỏ, thanh niên khó mà tìm được một mái nhà, dân số đang trên đà lão hóa và phải tuyển dụng 40 % lao động nhập cư. Hơn thế nữa những lợi thế của Singapore về thuế doanh nghiệp, về có sở hạ tầng đang bị một vài nơi khác như Dubai đuổi kịp…  Tăng trưởng và sức hấp dẫn của Singpore có bị đe dọa hay không ?

    Nguyễn Giang : « Thứ nhất là trong 5,6 triệu người sống tại hòn đảo nhỏ thì dân số bản địa chỉ có 3,6 triệu người đang bị già đi nhanh, sinh suất giảm và nền kinh tế phải dựa vào 40% nhân khẩu nhập cư, bằng hai triệu người, gồm là giới chuyên gia và lao động phổ thông.

    Thứ nhì, sau đại dịch Covid, nền kinh tế dựa vào xuất khẩu là chính gặp vấn đề về tăng trưởng, chỉ đạt 1,1% năm 2023 vì nhu cầu hàng hóa, dịch vụ từ các thị trường lớn là Hoa Kỳ và Liên Âu giảm. Cuộc thương chiến Mỹ-Trung cũng đặt Singapore vào tình thế khó khăn khi muốn cân bằng quan hệ làm ăn để hưởng lợi từ cả hai thị trường này ».

    Nềnngoại giao linh hoạt, gắn chặt lợi ích an ninh với Phương Tây

    RFI : Những thành công kinh tế vừa nêu có được, chủ yếu nhờ chính sách đối ngoại rất « uyển chuyển » của Singapore dưới thời thủ tướng Lý Hiển Long, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc và Mỹ tranh giành ảnh hưởng về nhiều mặt, đặc biệt là tại châu Á-Thái Bình Dương.

    Nguyễn Giang : « Nói về nền ngoại giao Singapore thì thời kỳ cầm quyền của ông Lý Hiển Long đánh dấu việc Singapore nêu quan điểm mạnh mẽ, nhất quán vì một ASEAN tôn trọng luật chơi quốc tế. Cùng với nền ngoại giao mềm mỏng của Indonesia, Singapore đã giúp ASEAN có tiếng nói rõ  ràng hơn trên trường quốc tế, như trong vấn đề ủng hộ Ukraina khi nước này bị Nga xâm lăng. Ông Lý Hiển Long cũng tạo dấu ấn khác cha ông, cố Thủ tướng Lý Quang Diệu, người tuy ký kết an ninh chặt chẽ với Hoa Kỳ, vẫn cố gắng không làm mất lòng lãnh đạo Trung Quốc. Còn ông Lý Hiển Long, người học ở Harvard về, ngay sau khi lên nhậm chức thủ tướng năm 2004 đã sang thăm Đài Loan, gây phản ứng mạnh từ phía Trung Quốc.

    Singapore cũng kiên trì với chính sách không cô lập Đài Bắc mà còn giúp TQ và Đài Loan đối thoại thay vì đối đầu, bằng việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh Tập Cận Bình và Mã Anh Cửu ở Singapore năm 2015. Một năm sau, ông Lý Hiển Long thay mặt Singapore, nước chủ tịch luân phiên của ASEAN, phê phán việc quân sự hóa ở Biển Đông của Trung Quốc, gây căng thẳng với Bắc Kinh.

    Tuy thế, quan hệ thương mại Singapore-Trung Quốc tiếp tục được nâng cao từ khi ký Hiệp định Tự do Mậu dịch song phương năm 2009. Cùng lúc, từ 2005, Singapore là đối tác an ninh quốc phòng của Hoa Kỳ, tuy không phải là đồng minh quân sự (security partner, not US treatyally) và quan hệ này được thắt chặt liên tục những năm qua ».

    RFI : Mỹ điểm tựa quân sự cốt yếu của Singapore ?

    Nguyễn Giang : « Thủ tướng Lý Hiển Long có nhiều chuyến thăm Hoa Kỳ liên tiếp mấy năm qua, vào các năm 2022, 2023, 2024, để dự các hội nghị APEC, LHQ, thăm các đại công ty công nghệ ở California và tới Washington DC hội đàm với lãnh đạo Hoa Kỳ. Singapore ủng hộ viễn kiến ‘Ấn Độ -Thái Bình Dương mở’ (Open Indo-Pacific) của chính phủ Biden. Singapore có quân cảng Changi để đón các tàu chiến, gồm cả hàng không mẫu hạm của Mỹ và Anh và đầu năm nay đã quyết định mua 8 chiếc F-35, chiến đấu cơ thế hệ mới từ Hoa Kỳ ».

    Singapore và ASEAN

    RFI : Là một trong 5 thành viên ban đầu của Hiệp Hội Đông Nam Á từ năm 1967, Singpore cùng với Indonesia hiện là hai đầu tàu của toàn khối ASEAN, có tiếng nói mạnh mẽ và rõ ràng trên nhiều hồ sơ quốc tế, từ khủng hoảng ở Miến Điện đến chính sách đối với Nga trong cuộc chiến Ukraina … Riêng quan hệ giữa Singapore với Việt Nam thì sao ?

    Nguyễn Giang : « Trong những năm cuối ở vị trí thủ tướng, ông Lý Hiển Long đưa Singapore trở thành quốc gia ASEAN duy nhất tung ra lệnh cấm vận trừng phạt Nga vì cuộc chiến của Kremlin ở Ukraina. Theo đánh giá của GS Michael Barr, một chuyên gia về chính trị Singapore ở Úc thì ông Lý Hiển Long đã chọn cách nói thẳng, dựa trên những giá trị quốc tế phổ quát trước các câu hỏi mà Đông Nam Á và Singapore đối mặt, “vứt bỏ chiếc áo choàng mờ ảo, nước đôi” (cloak of ambiguity).

    Năm ngoái, Singapore nói sẽ tuân thủ mọi lệnh trừng phạt nếu có của Liên Hiệp Quốc với các tướng lĩnh Miến Điện và đã rà soát, ra lệnh cho các ngân hàng cắt giao thương tài chính với Liên bang Myanmar nhằm ngăn giới quân sự ở Naypyidaw mua vũ khí từ bên ngoài.

    Còn trong quan hệ với Việt Nam, chính phủ của ông Lý Hiển Long đã ký Đối tác chiến lược trong chuyến thăm của ông năm 2013 tới Hà Nội. Singapore và Việt Nam chia sẻ quan điểm bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông. Đón thủ tướng Việt Nam, ông Phạm Minh Chính sang thăm Singapore năm ngoái, lãnh đạo Singapore nhấn mạnh về ba lĩnh vực hợp tác mới với VN là chuyển đổi năng lượng xanh, nền kinh tế số và công nghệ cao. Ngoài ra, Việt Nam cũng là nước cung cấp nguồn lao động chủ yếu trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống, bán lẻ cho Singapore. Mô hình cải cách bộ máy công quyền của Singapore được Việt Nam quan tâm tìm hiểu.

    Tuy thế, trong ASEAN, Indonesia hiện là đối tác quan trọng nhất của Singapore và trong chuyến thăm mới đây tới Bogor, cuối tháng 4/2024 ông Lý Hiển Long đã cùng tổng thống sắp mãn nhiệm của Indonesia Joko Widodo (Jokowi) cùng quan chức hai bên ký kết bốn thỏa thuận hợp tác song phương quan trọng. Đó là các thỏa thuận cấp nhà nước về lãnh hải, quân sự, an ninh và chính sách thông tin, với sự chứng kiến của hai nhà lãnh đạo kế tiếp, Phó Thủ tướng Singapore Hoàng Tuần Tài và tổng thống tân cử của Indonesia Prabowo Subianto.

    Đây chính là những gì ông Lý Hiển Long và ông Jokowi để lại cho những người kế nhiệm chăm lo vào những năm tới. Mối quan hệ này sẽ giúp hai quốc gia chủ chốt ở ASEAN có chỗ dựa vào nhau tốt hơn để đối phó với các biến động trên thế giới, nhất là xung khắc Mỹ-Trung trong cuộc cạnh tranh đại cường của thế kỷ ».

    RFI : Xin cảm ơn nhà báoNguyễn Giang, cựu biên tập viên BBC World Service,Luân Đôn, hiện nghiên cứutại Viện ISEAS-Yusof Ishak, Singapore. 

    Tue, 07 May 2024
  • 170 - Hàng không: Máy bay Boeing có còn an toàn?

    Một loạt các sự cố gần đây trên các chuyến bay làm hoen ố hình ảnh của tập đoàn Mỹ Boeing và làm dấy lên nghi vấn về mức độ an toàn cho hành khách. Nhiều hãng hàng không dân sự phải cắt giảm các chuyến bay, bị mất khách. Boeing đang cần huy động thêm 10 tỷ đô la trước viễn cảnh sắp phải thanh toán 12 tỷ nợ đáo hạn. 

    Hôm 26/04/2024, chuyến bay của hãng hàng không Mỹ Delta Airlines nối New York và Los Angeles đã phải quay lại điểm khởi hành, khi phát hiện máy bay mất cầu trượt thoát hiểm. Chiếc Boeing 767 với 176 hành khách và phi hành đoàn đã hạ cánh an toàn. Đó chỉ là sự cố gần đây nhất trong một loạt cố khác  trong tháng 3/2024 : khi thì do hỏng kim đồng hồ đo sức gió, lúc thì do hỏng cánh quạt, hay do một mẩu cách bị rơi... Tệ hơn nữa là vụ 5 hành khách bị thương trong một chuyến bay từ Sydney đến Auckland do máy bay mất độ cao. Nhưng hình ảnh khủng khiếp nhất là vụ văng cánh cửa máy bay trên chiếc Boeing 737Max9 của hãng hàng không Alaska Airlines chở theo 171 hành khách từ Portland (bang Oregon) đến Ontario (bang California) hôm 05/01/2024.

    Xa hơn nữa, hãng Boeing đã chịu nhiều tai tiếng sau hai tai nạn hàng không năm 2018 và 2019 của hãng Lion Air và Ethiopian Air, làm gần 350 người thiệt mạng. Cả hai cùng sử dụng máy bay dòng 737Max của Boeing.

    Khi nhà sản xuất máy bay trao quyền cho giới tài chính

    Có nhiều tiếng nói cho rằng hai vụ rớt máy bay nói trên là « điểm khởi đầu » đẩy Boeing vào một cuộc khủng hoảng vô tiền khoáng hậu. Riêng Bruno Trévidic, phụ trách các trang về công nghiệp hàng không của báo Les Echos, cho rằng khủng hoảng này có nguồn gốc sâu xa hơn :

     « Theo nhiều nhà quan sát tại Mỹ, khủng hoảng của Boeing khởi đầu từ khoảng năm 1997 khi Boeing mua lại tập đoàn sản xuất máy bay McDonnel Douglas. Đó cũng là thời điểm mà tương quan lực lượng trong buồng lái điều hành tập đoàn Boeing nghiêng hẳn về  phía giới tài chính. Họ chiếm đa số trong hội đồng quản trị và từng bước thu hẹp tiếng nói của giới kỹ sư. Đa số cho rằng khủng hoảng của tập đoàn sản xuất máy bay Mỹ Boeing đã kéo dài từ lâu ».

    Là đối thủ của Boeing, năm 1997, McDonnel Douglas (chuyên sản xuất từ tên lửa đến máy bay thương mại, quân sự … và hiện diện luôn cả trong ngành hàng không không gian), đã bị mua lại và « cặp đôi » này trở thành « tập đoàn sản xuất máy bay lớn nhất thế giới ». Chưa đầy một chục năm sau, Harry Stonecipher chủ tịch tổng giám đốc Boeing và McDonnel Douglas đã rất tự hào là tập đoàn do ông điều hành được « quản lý như bất kỳ một doanh nghiệp nào khác, chứ không phải là một hãng chỉ biết thực hiện các dự án công nghiệp ».

    Làm sao nên nỗi ? 

    Harry Stonecipher có thể là đã quên mất rằng ngành hàng không và chế tạo máy bay là một ngoại lệ. Thí dụ như để sản xuất được một chiếc Boeing 737 Max, cần có tới « gần một nửa triệu phụ tùng, do 600 nhà cung cấp khác nhau bán cho Boeing. Bản thân mỗi đối tác trong số đó đều có cả một mạng lưới gia công ở phía sau ». Không dễ mà kiểm soát từng khâu một về chất lượng với nhiều đối tác như vậy.

    Đọc thêm : Boeing 737 MAX : Dòng máy bay « xui xẻo »

    Nét đặc thù của các tập đoàn công nghiệp chế tạo máy bay là « chất lượng và các chuẩn mực an toàn phải là ưu tiên tuyệt đối ». Bruno Trévidic, báo Les Echos, giải thích cụ thể hơn :

     « Ở đây có hai vấn đề. Một là trong những năm gần đây, Boeing đã trao lại cho các tập đoàn gia công một phần lớn các công đoạn sản xuất, nghĩa là trao hẳn cho những công ty khác những gì từng làm nên tên tuổi, uy tín của mình. Điều này từng xảy ra và đã bị chỉ trích khi dòng máy bay 787 gặp một số vấn đề. Khi đó người ta biết rằng 70 % các công đoạn sản xuất Boeing 787 đã được giao cho hãng Spirit Aerosystems.

    Sau đó, các cuộc điều tra cho thấy là hãng này đã có nhiều thiếu sót và cuối cùng, Boeing đã quyết định mua lại Spirit Aerosystems, để dễ quản lý hãng gia công cho mình. Trên thực tế, Boeing giao lại cho các hãng gia công một số công đoạn sản xuất cũng chỉ vì muốn giảm thiểu các chi phí trong cuộc chạy đua đi tìm lợi nhuận.

    Vấn đề thứ hai là Boeing vừa trải qua một thời gian dài bị tác động của khủng hoảng y tế Covid  Trong suốt giai đoạn 2020-2022, dây chuyền sản xuất bị gián đoạn, ngành hàng không dân dụng bị khủng hoảng, Boeing phải cắt giảm nhân sự, tức là để thất thoát chất xám, để mất khá nhiều nhân viên có kinh nghiệm. Khi ngành du lịch và giao thông hàng không hồi phục, các hãng hàng không cần mua thêm máy bay để đáp ứng nhu cầu của thị trường, thì các hãng chế tạo máy bay sản xuất không kịp.

    Boeing đã phải tuyển dụng trở lại nhân viên và đó là những người trẻ mới vào nghề. Số này chưa được đào tạo xong và cũng không ý thức được rằng những chuẩn mực an toàn, những chỉ số đo lường về chất lượng quan trọng đến mức độ nào. Họ cũng không được đào tạo để hiểu rằng, trong ngành công nghiệp chế tạo máy bay, công việc đòi hỏi phải thật hoàn hảo ». 

    Sau các sự cố từ đầu năm đến nay, cổ phiếu của Boeing mất giá 25 % trong bốn tháng đầu năm. Tập đoàn này còn bị Cục Hàng Không Liên Bang Mỹ FAA và Ủy Ban An Toàn Giao Thông Quốc Gia Hoa Kỳ NTSB điều tra và cả hai đã đưa ra những kết luận không mấy thuận lợi cho nhà sản xuất máy bay của Mỹ này. Bruno Trévidic báo Les Echos cho biết :

    « Điều tra về mặt kỹ thuật do cơ quan an toàn giao thông Hoa Kỳ NTSB tiến hành kết luận : đã có những sai sót trong khâu lắp ráp cửa máy bay và lỗi đó thuộc về trách nhiệm của Boeing. Sự cố đã xảy ra trong các nhà máy của Boeing ở Renton, nơi cho ra đời gam máy bay 737. Nói cách khác đây là lỗi của Boeing. Cục Hàng Không Liên Bang Mỹ, trong đợt thanh tra gần đây nhất đã tập trung kiểm tra chất lượng sản phẩm của tập đoàn Boeing. FAA chỉ ra rằng Boeing « có vấn đề » ở khâu này, tức là đã lơ là trong việc kiểm tra chất lượng. Boeing cũng thiếu sức thuyết phục trong việc đào tạo nhân sự ».

    Ngành hàng không dân sự bị vạ lây 

    Trước những sự cố liên tiếp và với hệ quả ít nhiều nghiêm trọng nói trên, các hãng hàng không của Mỹ và châu Âu bắt đầu hết kiên nhẫn với Boeing. Hãng hàng không giá rẻ Ryanair dường như bị ảnh hưởng nhiều hơn cả, do hãng này chủ yếu sử dụng máy bay Boeing. Nhẽ ra tháng 3 vừa rồi Ryanair nhận được thêm 57 máy bay Boeing để chuẩn bị cho mùa hè sắp tới, nhưng rồi trong kịch bản tối ưu, tập đoàn Mỹ chỉ có thể giao 4 chiếc cho Ryanair. Hệ quả kèm theo là hãng hàng không giá rẻ của Ireland này phải « giảm số chuyến bay trên 10 lộ trình vào mùa cao điểm tháng 7-8 và 9 ».

    Tập đoàn United Airlines của Mỹ thất thu khoảng 200 triệu đô la chỉ vì các máy bay dòng Boeing 737 Max 9 bị giữ lại trên mặt đất trong ba tuần. Delta Airlines cũng không hy vọng từ nay đến năm 2025 có thêm được 100 chiếc máy bay mới để phục vụ hành khách. Về phần mình, tập đoàn Southwest báo trước là « không tuyển dụng thêm phi công và tiếp viên hàng không » cũng vì Boeing.

    Với người tiêu dùng, chắc chắn là trong những tháng hè sẽ khó tìm vé máy bay hơn một chút và hành khách phải mua vé đắt hơn.  

    Boeing vẫn là một ngọn hải đăng 

    Song còn quá sớm để cho rằng Boeing đang lao xuống vực thẳm. Hiện tập đoàn này có một đội ngũ hơn 60.000 nhân viên, với khoảng 10.000 « con chim sắt » tung bay khắp thế giới. Boeing đã có sẵn đơn đặt hàng với 5.700 máy bay để giao cho các hãng hàng không dân dụng. Trị giá chứng khoán của Boeing là 104 tỷ đô la, tương đương với GDP của Cam Bốt và Miến Điện cộng lại.

    Hơn thế nữa, Boeing còn là một ông khổng lồ trong lĩnh vực hàng không quân sự và không gian, với chính phủ Mỹ là khách hàng quan trọng nhất. Hôm 26/04/2024, Boeing vừa mua lại cơ sở của GKN Aerospece tại Saint Louis, bang Missouri, để « tiếp tục cung cấp những phụ tùng thiết yếu và nhạy cảm cho chính phủ Mỹ và các đồng minh của Hoa Kỳ ». Đây là nơi cung cấp phụ tùng và bảo đảm một phần các chương trình chế tạo chiến đấu cơ F/A18 và F-15. Cũng Boeing hôm 29/04/2024 thông báo nhận thêm đơn đặt hàng của Bộ Quốc Phòng cung cấp thêm 7 chiếc trực thăng MH-139A cho Không Quân Hoa Kỳ. Trị giá hợp đồng là 178 triệu đô. MH-139A là loại trực thăng được quân đội sử dụng trong các công tác tuần tra, cứu hộ và tận tải. Chi nhánh Boeing Defence Space &Security là một tên tuổi lớn trong ngành với rất nhiều sản phẩm từ oanh tạc cơ, máy bay vận tải, máy bay tiếp liệu, tên lửa, vệ tinh... …

    Tue, 30 Apr 2024
  • 169 - Chảo lửa Iran-Israel « chưa bén » đến các giếng dầu Trung Đông

    Thị trường dầu hỏa thế giới vẫn ổn định trước mối đe dọa chưa hoàn toàn được dập tắt về một cuộc chiến giữa Israel và Iran. Ưu tiên của Teheran là bảo vệ các giếng dầu cho dù Trung Đông không còn là nguồn cung cấp duy nhất cho thế giới. Vì những tính toán chính trị trước bầu cử tổng thống Mỹ, Washington là « tấm bia đỡ đạn » cho các cơ sở năng lượng của Iran, tránh để khủng hoảng về dầu lửa tái diễn đánh vào túi tiền của cử tri Hoa Kỳ.

    Đành rằng giá dầu trên thế giới tăng lên thêm 17 % trong 4 tháng đầu nhưng kể từ khi Israel và Iran trực tiếp khiêu khích lẫn nhau từ đầu tháng 4/2024, thị trường dầu hỏa được coi là vẫn « ổn định ». Giá một thùng dầu vẫn được giữ ở ngưỡng trên dưới 90 đô la một thùng cho đến ngày 23/04/2024.

    Xung đột Israel-Hamas tại Gaza từ tháng 10/2023, rồi các đợt tấn công nhắm vào tàu chở hàng trong vùng Hồng Hải do quân nổi dậy Yemen - Houthi tiến hành đã thổi bùng viễn cảnh Trung Đông, giếng dầu của thế giới, bị đẩy gần hơn vào cái bẫy chiến tranh. Căng thẳng trên thị trường năng lượng đã tăng thêm một nấc trước những dấu hiệu xung đột lan rộng khi mà những quyền lợi trực tiếp của Iran bị tổn thương.

    Israel oanh tạc tòa đại sứ Iran ở Damas, thủ đô Syria hôm 01/04/2024, rồi hơn một chục ngày sau, Teheran đáp trả « đích đáng » trong đêm 13/04/2024 nhắm vào Israel. Cộng đồng quốc tế lại hồi hộp đợi chính quyền Benjamin Netanyahu « trả đũa » vào lúc ông bị công luận Israel mạnh mẽ chỉ trích « sa lầy ở Gaza ». Một phần thế giới quy trách nhiệm cho Israel về thảm họa nhân đạo nhắm vào hơn 2 triệu người Palestine ở Gaza.

    Những yếu tố đe dọa dầu hỏa Trung Đông

    Tất cả các nhà quan sát đồng loạt cho rằng,« vì những lý do đối nội, cả Iran lẫn Israel cũng bị dồn vào chân tường ». Trả lời đài phát thanh France Culture hôm 17/04/2024, chuyên gia về dầu hỏa, Francis Perrin, giám đốc nghiên cứu Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược IRIS của Pháp, giải thích về tầm mức « chiến lược của Trung Đông trên bàn cờ năng lượng quốc tế », qua đó một phần chìa khóa tăng trưởng của thế giới đang được đặt trong tay mỗi đối tác tại khu vực này :

    « Trung Đông là một khu vực chủ chốt trên bàn cờ dầu hỏa và khí đốt của thế giới. Đây là nơi cất giữ 50 % trữ lượng dầu đã được chứng minh và 40 % khí đốt trên trái đất. Trung Đông cũng là nơi sản xuất và xuất khẩu một phần lớn năng lượng cho nhân loại. Năm ông khổng lồ dầu hỏa trên thế giới đều tập trung cả ở khu vực này, theo thứ tự là Ả Rập Xê Út, Iran, Irak, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất và Koweit. Hai nguồn cung khí đốt lớn nhất là Iran và Qatar cũng ở cả Trung Đông. Do vậy, nếu như xảy ra căng thẳng trong khu vực, đương nhiên là thị trường dầu hỏa rất dễ bị khuấy động ».

    Song có nhiều khác biệt ở thời điểm hiện nay so với thập niên 1970-1980 : Trung Đông không còn độc quyền cung cấp dầu hỏa cho thế giới và cỗ máy công nghiệp của các nước phát triển nhất bớt lệ thuộc vào vàng đen. Francis Perrin, viện nghiên cứu Pháp IRIS : 

    « Nhờ có dầu và khí đá phiến mà Hoa Kỳ nay đã trở thành nguồn xuất khẩu số 1 trên thế giới, cả về dầu hỏa lẫn khí đốt. Tức là Mỹ đã qua mặt cả Ả Rập Xê Út và Nga để thống lĩnh hai thị trường này. Đây là một thay đổi chưa từng có. Ở thời kỳ chiến tranh Kippour những năm 1973-1974 nhân loại chưa biết khai thác dầu và khí đá phiến. Ngoài ra, giờ đây Canada cũng đã trở thành một nguồn cung cấp quan trọng của thế giới, đứng hạng thứ tư. Thành thử thế giới có những nguồn cung cấp khác và không còn bị phụ thuộc vào một mình Trung Đông. Dù vậy thế cân bằng trên thị trường năng lượng tùy thuộc vào Trung Đông. Đương nhiên là nếu tình hình trong vùng xấu đi và tác động trực tiếp đến các hoạt động trong ngành dầu khí, thì lập tức giá dầu hỏa và khí đốt bị biến động… »   

    Tính toán khôn ngoan của Teheran

    Trong cuộc chiến giữa các nước Ả Rập và Nhà nước Do Thái - Chiến tranh Kippour hồi năm 1973, nhiều nước Ả Rập đã manh tay ngừng xuất khẩu dầu cho phương Tây, nền công nghiệp số 1 toàn cầu khi đó là Hoa Kỳ khốn đốn. Trong thời gian từ tháng 10/1973 đến tháng 1/1974, giá dầu đã nhân lên gấp 4 lần. 

    Đến những năm 1979-1980, sau cuộc cách mạng Hồi Giáo Iran, thêm vào đó là 8 năm chiến tranh Iran-Irak (1980-1988), nhiều tàu dầu đã bị tấn công trong vùng Vịnh … giá dầu lại bị đẩy lên cao.

    Hai « cơn sốt dầu hỏa » thập niên 1970-1980 khép lại thời kỳ vàng son của các nền công nghiệp trên thế giới vốn rất phụ thuộc vào « vàng đen » của Trung Đông. Kinh nghiệm đó vẫn còn ám ánh chính giới hiện nay. Francis Perrin viện IRIS của Pháp phân tích :

    « Điều rõ ràng là ở thời điểm 2024, Trung Đông vẫn chiếm một vi trí then chốt thị trường dầu khí. Khu vực này đang phải đối mặt với ba cuộc xung đột khác nhau : ở Syria từ 2011, ở Yemen từ 2015 và gần đây nhất là tại Gaza. Đương nhiên là giới giao dịch trên thị trường, chính giới và các nhà ngoại giao không ai muốn một cuộc xung đột thứ tư nổ ra trong vùng. Nếu như xảy ra xung đột giữa Israel và Iran thì cuộc chiến này sẽ nguy hiểm hơn cả ba cuộc xung đột hiện nay rất nhiều ».

    Thêm một lo ngại khác liên quan đến nguy cơ eo biển Ormuz bị phong tỏa, bị một trong các bên giao tranh « quân sự hóa ». Eo biển này là cửa ngõ đưa 20 -30 % dầu hỏa và khí đốt của Trung Đông ra thế giới. Theo thẩm định của cơ quan tư vấn về năng lượng Rapidan Energy của Mỹ, eo biển Ormuz bị rối loạn, « giá dầu lập tức tăng thêm 10 % ».

    Nhưng không lo Iran đóng cửa eo biển Ormuz vì tháng 3/2024 Teheran thông báo đầu tư 13 tỷ đô la trong thập niên sắp tới vào 6 mỏ dầu ở các khu vực phía nam và tây nam, để nâng cao sản xuất, vị trí then chốt của Iran trên bàn cờ năng lượng. Francis Perrin viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược Pháp :

    « Syrie chỉ là một chú lùn về dầu hỏa, Yemen cho đến trước chiến tranh, tuy có sản xuất dầu và xuất khẩu khí đốt nhưng cũng không đáng kể. Gaza và Israel cùng không xuất khẩu dầu. Thế nhưng Iran là một cường quốc cả về dầu hỏa lẫn khí đốt. Đành rằng từ năm 2018 chính quyền Trump đã siết chặt thêm cấm vận dầu không cho Teheran xuất khẩu để thu vào ngoại tệ. Mỹ muốn bóp nghẹt kinh tế Iran, nhưng các biện pháp trừng phạt đó chưa bao giờ được áp dụng nghiêm ngặt. Chính quyền Biden từ năm 2021 vẫn duy trì các biện pháp cấm vận dầu của Iran, nhưng cũng không quá sốt sắng trong việc giám sát các hoạt động mua bán dầu của Teheran. Thành thử trong thời gian qua, Iran vẫn thu về ngoại tệ nhờ xuất khẩu dầu hỏa cho một số đối tác. Do vậy nếu xảy ra xung đột với Israel, Iran sẽ mất mát nhiều ».

    Washington, lá bùa hộ mạng cho các giếng dầu Iran

    Vì quyền lợi của chính mình, Iran sẽ không dại lao vào một cuộc đối đầu vũ trang quyết liệt với Israel hay đóng cửa eo biển Ormuz. Nhưng về phía Tel Aviv, giới quan sát cho rằng giải pháp quân sự ở Gaza hay với « kẻ thù không đội trời chung » Iran là lá bùa hộ mạng cho sự nghiệp chính trị của thủ tướng Benjamin Netanyahu. Do vậy, lo ngại thứ ba là nếu như Israel tấn công các cơ sở công nghiệp dầu khí của Iran thì có thể đẩy giá dầu lên cao. Nhưng trước mắt, kịch bản này đã không xảy ra nhờ áp lực của Mỹ. 

    Iran có khối lượng dự trữ dầu lớn thứ ba trên thế giới, và bất chấp các lệnh trừng phạt liên tiếp của Hoa Kỳ năm 2022, Cộng Hòa Hồi Giáo Iran, đứng hàng thứ 7 trong số các nguồn cung cấp dầu, bảo đảm 3 % nhu cầu tiêu thụ cho thế giới. Francis Perrin, viện IRIS, nhấn mạnh đến yếu tố Hoa Kỳ trong năm bầu cử tổng thống vào lúc mà giá một gallon xăng ở Mỹ hiện vẫn còn đắt hơn đến 60 % so với hồi năm 2020 : 

    « Chính quyền Biden không muốn trông thấy giá dầu bị đẩy lên cao, vì như vậy có nghĩa là người Mỹ sẽ phải chi ra nhiều tiền để mua xăng. Ra tranh cử thêm một nhiệm kỳ tổng thống, ông Biden biết là sẽ gặp khó khăn trong trường hợp này và công luận Mỹ dễ bị ảnh hưởng vì giá xăng dầu. Nhà Trắng không muốn Israel tấn công vào các cơ sở năng lượng của Iran, nhưng tại Israel và Mỹ thì một số tiếng nói lại muốn kịch bản đó xảy ra ».

    Đe dọa thị trường tiêu thụ bão hòa 

    Cho đến ngày 23/04/2024, có thể nói là thị trường dầu hỏa thế giới đã « không bùng cháy »sau khi Iran lẫn Israel đều đã« trả đũa đối phương »và cùng có dấu hiệu muốn dừng lại, tránh đẩy Trung Đông vào thế nguy hiểm hơn. 

    Đương nhiên, giới trong ngành cho rằng trên thị trường dầu hỏa « ngọn lửa có thể được thổi bùng lên bất cứ lúc nào ».Các nhà môi giới tạm an tâm trước một số những « chốt an toàn » : một là Mỹ đã trở thành nguồn sản xuất dầu số 1 thế giới, hơn cả Ả Rập Xê Út hay Nga ; hai là Teheran hiểu ý của Hoa Kỳ nên đang tận dụng thời cơ phát triển ngành công nghiệp dầu hỏa. Thứ ba là bản thân các « ông lớn trên bàn cờ năng lượng Trung Đông, từ Ả Rập Xê Út đến Qatar hay Các Tiểu Vương Ả Rập Thống Nhất đều muốn tập trung phát triển kinh tế ».

    Các quốc gia này biết là không còn độc quyền và Mỹ đang nổi lên như một đối thủ cạnh tranh « rất lợi hại ». Cuối cùng, điều khiến giới trong ngành, từ các cơ quan môi giới trên thị trường, đến các nhà sản xuất ở Trung Đông lo ngại hơn cả hiện nay, có lẽ là viễn cảnh tăng trưởng của Trung Quốc, của Liên Hiệp Châu Âu bị chựng lại, và những chuyển biến trên thị trường quốc tế từ chiến tranh Ukraina gây nên.

    Nhìn đến nước Nga, một cột trụ khác trên thị trường năng lượng, dầu khí của Nga đang bị cấm vận, giảm mạnh lượng xuất khẩu sang châu Âu nên các tập đoàn dầu khí của Nga đã lao vào một cuộc chạy đua đi tìm những thị trường mới… và Matxcơva là một thành viên khá độc lập trong khối OPEP mở rộng. Tựu chung, một trong những lý do vì sao thị trường dầu hỏa chưa lên cơn sốt, là các nguồn cung thì nhiều, mà không chắc là mức cầu sẽ vững mạnh trong ngắn hạn.    

    Tue, 23 Apr 2024
Afficher plus d'épisodes