Filtrar por género

Tạp chí kinh tế

Tạp chí kinh tế

RFI Tiếng Việt

Hồ sơ kinh tế nổi bật, kinh nghiệm hoạt động của giới doanh nhân

170 - Hàng không: Máy bay Boeing có còn an toàn?
0:00 / 0:00
1x
  • 170 - Hàng không: Máy bay Boeing có còn an toàn?

    Một loạt các sự cố gần đây trên các chuyến bay làm hoen ố hình ảnh của tập đoàn Mỹ Boeing và làm dấy lên nghi vấn về mức độ an toàn cho hành khách. Nhiều hãng hàng không dân sự phải cắt giảm các chuyến bay, bị mất khách. Boeing đang cần huy động thêm 10 tỷ đô la trước viễn cảnh sắp phải thanh toán 12 tỷ nợ đáo hạn. 

    Hôm 26/04/2024, chuyến bay của hãng hàng không Mỹ Delta Airlines nối New York và Los Angeles đã phải quay lại điểm khởi hành, khi phát hiện máy bay mất cầu trượt thoát hiểm. Chiếc Boeing 767 với 176 hành khách và phi hành đoàn đã hạ cánh an toàn. Đó chỉ là sự cố gần đây nhất trong một loạt cố khác  trong tháng 3/2024 : khi thì do hỏng kim đồng hồ đo sức gió, lúc thì do hỏng cánh quạt, hay do một mẩu cách bị rơi... Tệ hơn nữa là vụ 5 hành khách bị thương trong một chuyến bay từ Sydney đến Auckland do máy bay mất độ cao. Nhưng hình ảnh khủng khiếp nhất là vụ văng cánh cửa máy bay trên chiếc Boeing 737Max9 của hãng hàng không Alaska Airlines chở theo 171 hành khách từ Portland (bang Oregon) đến Ontario (bang California) hôm 05/01/2024.

    Xa hơn nữa, hãng Boeing đã chịu nhiều tai tiếng sau hai tai nạn hàng không năm 2018 và 2019 của hãng Lion Air và Ethiopian Air, làm gần 350 người thiệt mạng. Cả hai cùng sử dụng máy bay dòng 737Max của Boeing.

    Khi nhà sản xuất máy bay trao quyền cho giới tài chính

    Có nhiều tiếng nói cho rằng hai vụ rớt máy bay nói trên là « điểm khởi đầu » đẩy Boeing vào một cuộc khủng hoảng vô tiền khoáng hậu. Riêng Bruno Trévidic, phụ trách các trang về công nghiệp hàng không của báo Les Echos, cho rằng khủng hoảng này có nguồn gốc sâu xa hơn :

     « Theo nhiều nhà quan sát tại Mỹ, khủng hoảng của Boeing khởi đầu từ khoảng năm 1997 khi Boeing mua lại tập đoàn sản xuất máy bay McDonnel Douglas. Đó cũng là thời điểm mà tương quan lực lượng trong buồng lái điều hành tập đoàn Boeing nghiêng hẳn về  phía giới tài chính. Họ chiếm đa số trong hội đồng quản trị và từng bước thu hẹp tiếng nói của giới kỹ sư. Đa số cho rằng khủng hoảng của tập đoàn sản xuất máy bay Mỹ Boeing đã kéo dài từ lâu ».

    Là đối thủ của Boeing, năm 1997, McDonnel Douglas (chuyên sản xuất từ tên lửa đến máy bay thương mại, quân sự … và hiện diện luôn cả trong ngành hàng không không gian), đã bị mua lại và « cặp đôi » này trở thành « tập đoàn sản xuất máy bay lớn nhất thế giới ». Chưa đầy một chục năm sau, Harry Stonecipher chủ tịch tổng giám đốc Boeing và McDonnel Douglas đã rất tự hào là tập đoàn do ông điều hành được « quản lý như bất kỳ một doanh nghiệp nào khác, chứ không phải là một hãng chỉ biết thực hiện các dự án công nghiệp ».

    Làm sao nên nỗi ? 

    Harry Stonecipher có thể là đã quên mất rằng ngành hàng không và chế tạo máy bay là một ngoại lệ. Thí dụ như để sản xuất được một chiếc Boeing 737 Max, cần có tới « gần một nửa triệu phụ tùng, do 600 nhà cung cấp khác nhau bán cho Boeing. Bản thân mỗi đối tác trong số đó đều có cả một mạng lưới gia công ở phía sau ». Không dễ mà kiểm soát từng khâu một về chất lượng với nhiều đối tác như vậy.

    Đọc thêm : Boeing 737 MAX : Dòng máy bay « xui xẻo »

    Nét đặc thù của các tập đoàn công nghiệp chế tạo máy bay là « chất lượng và các chuẩn mực an toàn phải là ưu tiên tuyệt đối ». Bruno Trévidic, báo Les Echos, giải thích cụ thể hơn :

     « Ở đây có hai vấn đề. Một là trong những năm gần đây, Boeing đã trao lại cho các tập đoàn gia công một phần lớn các công đoạn sản xuất, nghĩa là trao hẳn cho những công ty khác những gì từng làm nên tên tuổi, uy tín của mình. Điều này từng xảy ra và đã bị chỉ trích khi dòng máy bay 787 gặp một số vấn đề. Khi đó người ta biết rằng 70 % các công đoạn sản xuất Boeing 787 đã được giao cho hãng Spirit Aerosystems.

    Sau đó, các cuộc điều tra cho thấy là hãng này đã có nhiều thiếu sót và cuối cùng, Boeing đã quyết định mua lại Spirit Aerosystems, để dễ quản lý hãng gia công cho mình. Trên thực tế, Boeing giao lại cho các hãng gia công một số công đoạn sản xuất cũng chỉ vì muốn giảm thiểu các chi phí trong cuộc chạy đua đi tìm lợi nhuận.

    Vấn đề thứ hai là Boeing vừa trải qua một thời gian dài bị tác động của khủng hoảng y tế Covid  Trong suốt giai đoạn 2020-2022, dây chuyền sản xuất bị gián đoạn, ngành hàng không dân dụng bị khủng hoảng, Boeing phải cắt giảm nhân sự, tức là để thất thoát chất xám, để mất khá nhiều nhân viên có kinh nghiệm. Khi ngành du lịch và giao thông hàng không hồi phục, các hãng hàng không cần mua thêm máy bay để đáp ứng nhu cầu của thị trường, thì các hãng chế tạo máy bay sản xuất không kịp.

    Boeing đã phải tuyển dụng trở lại nhân viên và đó là những người trẻ mới vào nghề. Số này chưa được đào tạo xong và cũng không ý thức được rằng những chuẩn mực an toàn, những chỉ số đo lường về chất lượng quan trọng đến mức độ nào. Họ cũng không được đào tạo để hiểu rằng, trong ngành công nghiệp chế tạo máy bay, công việc đòi hỏi phải thật hoàn hảo ». 

    Sau các sự cố từ đầu năm đến nay, cổ phiếu của Boeing mất giá 25 % trong bốn tháng đầu năm. Tập đoàn này còn bị Cục Hàng Không Liên Bang Mỹ FAA và Ủy Ban An Toàn Giao Thông Quốc Gia Hoa Kỳ NTSB điều tra và cả hai đã đưa ra những kết luận không mấy thuận lợi cho nhà sản xuất máy bay của Mỹ này. Bruno Trévidic báo Les Echos cho biết :

    « Điều tra về mặt kỹ thuật do cơ quan an toàn giao thông Hoa Kỳ NTSB tiến hành kết luận : đã có những sai sót trong khâu lắp ráp cửa máy bay và lỗi đó thuộc về trách nhiệm của Boeing. Sự cố đã xảy ra trong các nhà máy của Boeing ở Renton, nơi cho ra đời gam máy bay 737. Nói cách khác đây là lỗi của Boeing. Cục Hàng Không Liên Bang Mỹ, trong đợt thanh tra gần đây nhất đã tập trung kiểm tra chất lượng sản phẩm của tập đoàn Boeing. FAA chỉ ra rằng Boeing « có vấn đề » ở khâu này, tức là đã lơ là trong việc kiểm tra chất lượng. Boeing cũng thiếu sức thuyết phục trong việc đào tạo nhân sự ».

    Ngành hàng không dân sự bị vạ lây 

    Trước những sự cố liên tiếp và với hệ quả ít nhiều nghiêm trọng nói trên, các hãng hàng không của Mỹ và châu Âu bắt đầu hết kiên nhẫn với Boeing. Hãng hàng không giá rẻ Ryanair dường như bị ảnh hưởng nhiều hơn cả, do hãng này chủ yếu sử dụng máy bay Boeing. Nhẽ ra tháng 3 vừa rồi Ryanair nhận được thêm 57 máy bay Boeing để chuẩn bị cho mùa hè sắp tới, nhưng rồi trong kịch bản tối ưu, tập đoàn Mỹ chỉ có thể giao 4 chiếc cho Ryanair. Hệ quả kèm theo là hãng hàng không giá rẻ của Ireland này phải « giảm số chuyến bay trên 10 lộ trình vào mùa cao điểm tháng 7-8 và 9 ».

    Tập đoàn United Airlines của Mỹ thất thu khoảng 200 triệu đô la chỉ vì các máy bay dòng Boeing 737 Max 9 bị giữ lại trên mặt đất trong ba tuần. Delta Airlines cũng không hy vọng từ nay đến năm 2025 có thêm được 100 chiếc máy bay mới để phục vụ hành khách. Về phần mình, tập đoàn Southwest báo trước là « không tuyển dụng thêm phi công và tiếp viên hàng không » cũng vì Boeing.

    Với người tiêu dùng, chắc chắn là trong những tháng hè sẽ khó tìm vé máy bay hơn một chút và hành khách phải mua vé đắt hơn.  

    Boeing vẫn là một ngọn hải đăng 

    Song còn quá sớm để cho rằng Boeing đang lao xuống vực thẳm. Hiện tập đoàn này có một đội ngũ hơn 60.000 nhân viên, với khoảng 10.000 « con chim sắt » tung bay khắp thế giới. Boeing đã có sẵn đơn đặt hàng với 5.700 máy bay để giao cho các hãng hàng không dân dụng. Trị giá chứng khoán của Boeing là 104 tỷ đô la, tương đương với GDP của Cam Bốt và Miến Điện cộng lại.

    Hơn thế nữa, Boeing còn là một ông khổng lồ trong lĩnh vực hàng không quân sự và không gian, với chính phủ Mỹ là khách hàng quan trọng nhất. Hôm 26/04/2024, Boeing vừa mua lại cơ sở của GKN Aerospece tại Saint Louis, bang Missouri, để « tiếp tục cung cấp những phụ tùng thiết yếu và nhạy cảm cho chính phủ Mỹ và các đồng minh của Hoa Kỳ ». Đây là nơi cung cấp phụ tùng và bảo đảm một phần các chương trình chế tạo chiến đấu cơ F/A18 và F-15. Cũng Boeing hôm 29/04/2024 thông báo nhận thêm đơn đặt hàng của Bộ Quốc Phòng cung cấp thêm 7 chiếc trực thăng MH-139A cho Không Quân Hoa Kỳ. Trị giá hợp đồng là 178 triệu đô. MH-139A là loại trực thăng được quân đội sử dụng trong các công tác tuần tra, cứu hộ và tận tải. Chi nhánh Boeing Defence Space &Security là một tên tuổi lớn trong ngành với rất nhiều sản phẩm từ oanh tạc cơ, máy bay vận tải, máy bay tiếp liệu, tên lửa, vệ tinh... …

    Tue, 30 Apr 2024
  • 169 - Chảo lửa Iran-Israel « chưa bén » đến các giếng dầu Trung Đông

    Thị trường dầu hỏa thế giới vẫn ổn định trước mối đe dọa chưa hoàn toàn được dập tắt về một cuộc chiến giữa Israel và Iran. Ưu tiên của Teheran là bảo vệ các giếng dầu cho dù Trung Đông không còn là nguồn cung cấp duy nhất cho thế giới. Vì những tính toán chính trị trước bầu cử tổng thống Mỹ, Washington là « tấm bia đỡ đạn » cho các cơ sở năng lượng của Iran, tránh để khủng hoảng về dầu lửa tái diễn đánh vào túi tiền của cử tri Hoa Kỳ.

    Đành rằng giá dầu trên thế giới tăng lên thêm 17 % trong 4 tháng đầu nhưng kể từ khi Israel và Iran trực tiếp khiêu khích lẫn nhau từ đầu tháng 4/2024, thị trường dầu hỏa được coi là vẫn « ổn định ». Giá một thùng dầu vẫn được giữ ở ngưỡng trên dưới 90 đô la một thùng cho đến ngày 23/04/2024.

    Xung đột Israel-Hamas tại Gaza từ tháng 10/2023, rồi các đợt tấn công nhắm vào tàu chở hàng trong vùng Hồng Hải do quân nổi dậy Yemen - Houthi tiến hành đã thổi bùng viễn cảnh Trung Đông, giếng dầu của thế giới, bị đẩy gần hơn vào cái bẫy chiến tranh. Căng thẳng trên thị trường năng lượng đã tăng thêm một nấc trước những dấu hiệu xung đột lan rộng khi mà những quyền lợi trực tiếp của Iran bị tổn thương.

    Israel oanh tạc tòa đại sứ Iran ở Damas, thủ đô Syria hôm 01/04/2024, rồi hơn một chục ngày sau, Teheran đáp trả « đích đáng » trong đêm 13/04/2024 nhắm vào Israel. Cộng đồng quốc tế lại hồi hộp đợi chính quyền Benjamin Netanyahu « trả đũa » vào lúc ông bị công luận Israel mạnh mẽ chỉ trích « sa lầy ở Gaza ». Một phần thế giới quy trách nhiệm cho Israel về thảm họa nhân đạo nhắm vào hơn 2 triệu người Palestine ở Gaza.

    Những yếu tố đe dọa dầu hỏa Trung Đông

    Tất cả các nhà quan sát đồng loạt cho rằng,« vì những lý do đối nội, cả Iran lẫn Israel cũng bị dồn vào chân tường ». Trả lời đài phát thanh France Culture hôm 17/04/2024, chuyên gia về dầu hỏa, Francis Perrin, giám đốc nghiên cứu Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược IRIS của Pháp, giải thích về tầm mức « chiến lược của Trung Đông trên bàn cờ năng lượng quốc tế », qua đó một phần chìa khóa tăng trưởng của thế giới đang được đặt trong tay mỗi đối tác tại khu vực này :

    « Trung Đông là một khu vực chủ chốt trên bàn cờ dầu hỏa và khí đốt của thế giới. Đây là nơi cất giữ 50 % trữ lượng dầu đã được chứng minh và 40 % khí đốt trên trái đất. Trung Đông cũng là nơi sản xuất và xuất khẩu một phần lớn năng lượng cho nhân loại. Năm ông khổng lồ dầu hỏa trên thế giới đều tập trung cả ở khu vực này, theo thứ tự là Ả Rập Xê Út, Iran, Irak, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất và Koweit. Hai nguồn cung khí đốt lớn nhất là Iran và Qatar cũng ở cả Trung Đông. Do vậy, nếu như xảy ra căng thẳng trong khu vực, đương nhiên là thị trường dầu hỏa rất dễ bị khuấy động ».

    Song có nhiều khác biệt ở thời điểm hiện nay so với thập niên 1970-1980 : Trung Đông không còn độc quyền cung cấp dầu hỏa cho thế giới và cỗ máy công nghiệp của các nước phát triển nhất bớt lệ thuộc vào vàng đen. Francis Perrin, viện nghiên cứu Pháp IRIS : 

    « Nhờ có dầu và khí đá phiến mà Hoa Kỳ nay đã trở thành nguồn xuất khẩu số 1 trên thế giới, cả về dầu hỏa lẫn khí đốt. Tức là Mỹ đã qua mặt cả Ả Rập Xê Út và Nga để thống lĩnh hai thị trường này. Đây là một thay đổi chưa từng có. Ở thời kỳ chiến tranh Kippour những năm 1973-1974 nhân loại chưa biết khai thác dầu và khí đá phiến. Ngoài ra, giờ đây Canada cũng đã trở thành một nguồn cung cấp quan trọng của thế giới, đứng hạng thứ tư. Thành thử thế giới có những nguồn cung cấp khác và không còn bị phụ thuộc vào một mình Trung Đông. Dù vậy thế cân bằng trên thị trường năng lượng tùy thuộc vào Trung Đông. Đương nhiên là nếu tình hình trong vùng xấu đi và tác động trực tiếp đến các hoạt động trong ngành dầu khí, thì lập tức giá dầu hỏa và khí đốt bị biến động… »   

    Tính toán khôn ngoan của Teheran

    Trong cuộc chiến giữa các nước Ả Rập và Nhà nước Do Thái - Chiến tranh Kippour hồi năm 1973, nhiều nước Ả Rập đã manh tay ngừng xuất khẩu dầu cho phương Tây, nền công nghiệp số 1 toàn cầu khi đó là Hoa Kỳ khốn đốn. Trong thời gian từ tháng 10/1973 đến tháng 1/1974, giá dầu đã nhân lên gấp 4 lần. 

    Đến những năm 1979-1980, sau cuộc cách mạng Hồi Giáo Iran, thêm vào đó là 8 năm chiến tranh Iran-Irak (1980-1988), nhiều tàu dầu đã bị tấn công trong vùng Vịnh … giá dầu lại bị đẩy lên cao.

    Hai « cơn sốt dầu hỏa » thập niên 1970-1980 khép lại thời kỳ vàng son của các nền công nghiệp trên thế giới vốn rất phụ thuộc vào « vàng đen » của Trung Đông. Kinh nghiệm đó vẫn còn ám ánh chính giới hiện nay. Francis Perrin viện IRIS của Pháp phân tích :

    « Điều rõ ràng là ở thời điểm 2024, Trung Đông vẫn chiếm một vi trí then chốt thị trường dầu khí. Khu vực này đang phải đối mặt với ba cuộc xung đột khác nhau : ở Syria từ 2011, ở Yemen từ 2015 và gần đây nhất là tại Gaza. Đương nhiên là giới giao dịch trên thị trường, chính giới và các nhà ngoại giao không ai muốn một cuộc xung đột thứ tư nổ ra trong vùng. Nếu như xảy ra xung đột giữa Israel và Iran thì cuộc chiến này sẽ nguy hiểm hơn cả ba cuộc xung đột hiện nay rất nhiều ».

    Thêm một lo ngại khác liên quan đến nguy cơ eo biển Ormuz bị phong tỏa, bị một trong các bên giao tranh « quân sự hóa ». Eo biển này là cửa ngõ đưa 20 -30 % dầu hỏa và khí đốt của Trung Đông ra thế giới. Theo thẩm định của cơ quan tư vấn về năng lượng Rapidan Energy của Mỹ, eo biển Ormuz bị rối loạn, « giá dầu lập tức tăng thêm 10 % ».

    Nhưng không lo Iran đóng cửa eo biển Ormuz vì tháng 3/2024 Teheran thông báo đầu tư 13 tỷ đô la trong thập niên sắp tới vào 6 mỏ dầu ở các khu vực phía nam và tây nam, để nâng cao sản xuất, vị trí then chốt của Iran trên bàn cờ năng lượng. Francis Perrin viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược Pháp :

    « Syrie chỉ là một chú lùn về dầu hỏa, Yemen cho đến trước chiến tranh, tuy có sản xuất dầu và xuất khẩu khí đốt nhưng cũng không đáng kể. Gaza và Israel cùng không xuất khẩu dầu. Thế nhưng Iran là một cường quốc cả về dầu hỏa lẫn khí đốt. Đành rằng từ năm 2018 chính quyền Trump đã siết chặt thêm cấm vận dầu không cho Teheran xuất khẩu để thu vào ngoại tệ. Mỹ muốn bóp nghẹt kinh tế Iran, nhưng các biện pháp trừng phạt đó chưa bao giờ được áp dụng nghiêm ngặt. Chính quyền Biden từ năm 2021 vẫn duy trì các biện pháp cấm vận dầu của Iran, nhưng cũng không quá sốt sắng trong việc giám sát các hoạt động mua bán dầu của Teheran. Thành thử trong thời gian qua, Iran vẫn thu về ngoại tệ nhờ xuất khẩu dầu hỏa cho một số đối tác. Do vậy nếu xảy ra xung đột với Israel, Iran sẽ mất mát nhiều ».

    Washington, lá bùa hộ mạng cho các giếng dầu Iran

    Vì quyền lợi của chính mình, Iran sẽ không dại lao vào một cuộc đối đầu vũ trang quyết liệt với Israel hay đóng cửa eo biển Ormuz. Nhưng về phía Tel Aviv, giới quan sát cho rằng giải pháp quân sự ở Gaza hay với « kẻ thù không đội trời chung » Iran là lá bùa hộ mạng cho sự nghiệp chính trị của thủ tướng Benjamin Netanyahu. Do vậy, lo ngại thứ ba là nếu như Israel tấn công các cơ sở công nghiệp dầu khí của Iran thì có thể đẩy giá dầu lên cao. Nhưng trước mắt, kịch bản này đã không xảy ra nhờ áp lực của Mỹ. 

    Iran có khối lượng dự trữ dầu lớn thứ ba trên thế giới, và bất chấp các lệnh trừng phạt liên tiếp của Hoa Kỳ năm 2022, Cộng Hòa Hồi Giáo Iran, đứng hàng thứ 7 trong số các nguồn cung cấp dầu, bảo đảm 3 % nhu cầu tiêu thụ cho thế giới. Francis Perrin, viện IRIS, nhấn mạnh đến yếu tố Hoa Kỳ trong năm bầu cử tổng thống vào lúc mà giá một gallon xăng ở Mỹ hiện vẫn còn đắt hơn đến 60 % so với hồi năm 2020 : 

    « Chính quyền Biden không muốn trông thấy giá dầu bị đẩy lên cao, vì như vậy có nghĩa là người Mỹ sẽ phải chi ra nhiều tiền để mua xăng. Ra tranh cử thêm một nhiệm kỳ tổng thống, ông Biden biết là sẽ gặp khó khăn trong trường hợp này và công luận Mỹ dễ bị ảnh hưởng vì giá xăng dầu. Nhà Trắng không muốn Israel tấn công vào các cơ sở năng lượng của Iran, nhưng tại Israel và Mỹ thì một số tiếng nói lại muốn kịch bản đó xảy ra ».

    Đe dọa thị trường tiêu thụ bão hòa 

    Cho đến ngày 23/04/2024, có thể nói là thị trường dầu hỏa thế giới đã « không bùng cháy »sau khi Iran lẫn Israel đều đã« trả đũa đối phương »và cùng có dấu hiệu muốn dừng lại, tránh đẩy Trung Đông vào thế nguy hiểm hơn. 

    Đương nhiên, giới trong ngành cho rằng trên thị trường dầu hỏa « ngọn lửa có thể được thổi bùng lên bất cứ lúc nào ».Các nhà môi giới tạm an tâm trước một số những « chốt an toàn » : một là Mỹ đã trở thành nguồn sản xuất dầu số 1 thế giới, hơn cả Ả Rập Xê Út hay Nga ; hai là Teheran hiểu ý của Hoa Kỳ nên đang tận dụng thời cơ phát triển ngành công nghiệp dầu hỏa. Thứ ba là bản thân các « ông lớn trên bàn cờ năng lượng Trung Đông, từ Ả Rập Xê Út đến Qatar hay Các Tiểu Vương Ả Rập Thống Nhất đều muốn tập trung phát triển kinh tế ».

    Các quốc gia này biết là không còn độc quyền và Mỹ đang nổi lên như một đối thủ cạnh tranh « rất lợi hại ». Cuối cùng, điều khiến giới trong ngành, từ các cơ quan môi giới trên thị trường, đến các nhà sản xuất ở Trung Đông lo ngại hơn cả hiện nay, có lẽ là viễn cảnh tăng trưởng của Trung Quốc, của Liên Hiệp Châu Âu bị chựng lại, và những chuyển biến trên thị trường quốc tế từ chiến tranh Ukraina gây nên.

    Nhìn đến nước Nga, một cột trụ khác trên thị trường năng lượng, dầu khí của Nga đang bị cấm vận, giảm mạnh lượng xuất khẩu sang châu Âu nên các tập đoàn dầu khí của Nga đã lao vào một cuộc chạy đua đi tìm những thị trường mới… và Matxcơva là một thành viên khá độc lập trong khối OPEP mở rộng. Tựu chung, một trong những lý do vì sao thị trường dầu hỏa chưa lên cơn sốt, là các nguồn cung thì nhiều, mà không chắc là mức cầu sẽ vững mạnh trong ngắn hạn.    

    Tue, 23 Apr 2024
  • 168 - Thách thức Nhật Bản trở thành một « cường quốc công nghiệp vũ khí »

    Kết thúc tuần lễ công du Hoa Kỳ, thủ tướng Nhật ra về với khoảng 70 thỏa thuận hợp tác quốc phòng, hoàn thành mục tiêu đưa quan hệ song phương lên hàng « đối tác toàn diện về kinh tế, kỹ thuật và an ninh ». Mở rộng quan hệ quốc phòng với Mỹ là đòn bẩy cho ngành công nghiệp quốc phòng của Nhật vốn đang bị Trung Quốc bỏ xa lại phía sau. Bắc Kinh đứng trước thách thức Tokyo trở thành một nhà máy sản xuất, một kho vũ khí ngay sát cạnh.

    Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida vừa kết thúc chuyến công du Hoa Kỳ từ ngày 10 đến 13/04/2024. Giới quan sát phương Tây đồng loạt đánh giá đây là một chuyến đi lịch sử với hai cột mốc quan trọng là thượng đỉnh song phương tổng thống Mỹ Joe Biden và cuộc họp tay ba với nguyên thủ Hoa Kỳ và tổng thống Philippines, Ferdinand Marcos Jr. tại Nhà Trắng.

    Lần đầu tiên từ Thế Chiến Thứ Hai, Mỹ-Nhật thắt chặt hợp tác quốc phòng « chặt chẽ » chưa từng thấy. Trong những tuần lễ sắp tới Lầu Năm Góc cùng với các bộ Quốc Phòng và Công Nghiệp Nhật Bản đi sâu thêm vào chi tiết cụ thể các chương trình hợp tác, song báo chí tại Washington và Tokyo nói đến « khoảng 70 thỏa thuận hợp tác quốc phòng » đã được thông qua.

    Viễn cảnh Nhật sản xuất vũ khí cạnh Trung Quốc

    Những thỏa thuận nói trên xoay quanh ba trục : Ưu tiên « nâng cao hiệu quả khả năng tương tác » giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản, nghĩa là để các đơn vị của Mỹ tại Nhật Bản bớt phụ thuộc vào bộ tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ đặt tại Hawaii, cách thủ đô Tokyo đến 6.000 cây số.

    Trục thứ nhì là tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực an ninh mạng và chiến lược bảo vệ các cơ sở hạ tầng thiết yếu.

    Vế thứ ba liên quan đến hợp tác trong ngành công nghiệp quốc phòng hai nước. Washington và Tokyo cam kết « cùng nhau phát triển, sản xuất tên lửa, cùng nhau bảo trì chiến hạm và máy bay quân sự của Mỹ tại Nhật Bản ». Ngành công nghệ quốc phòng của hai nước « phối hợp chặt chẽ với nhau hơn » ở nhiều khâu, từ nghiên cứu khoa học kỹ thuật đến khả năng sản xuất những thiết bị trong công nghệ không gian phục vụ cả các mục tiêu dân sự và quân sự… Kết hợp với Mỹ, Nhật Bản khai thác những thế mạnh của mình để trở thành một nguồn sản xuất và cung cấp vũ khí trên thế giới- kể cả cho Hoa Kỳ.  

    Trả lời RFI Việt ngữ, nhà báo Pierre Antoine Donnet nói đến một thỏa thuận có lợi cho cả đôi bên. Ông Donnet từng điều hành các văn phòng của hãng tin Pháp AFP tại Bắc Kinh và Tokyo, và hiện là một cây bút chính của báo mạng chuyên về châu Á, Asialyst : 

    Pierre Antoine Donnet: « Một trong những vế chính của hàng loạt những thỏa thuận quốc phòng song phương là Mỹ -Nhật cùng nhau sản xuất các loại vũ khí thế hệ mới. Đây là điều hoàn toàn mới mẻ đối với cả Washington lẫn Tokyo. Hợp tác quân sự lại càng khắn khít hơn khi đôi bên đồng ý nâng cấp cơ chế chỉ huy quân sự của Mỹ tại Nhật, với một mục đích rõ ràng là đối phó với hiểm họa Trung Quốc. (...) 

    Tôi nghĩ rằng lợi ích ở đây là cả đối với hai phía Hoa Kỳ và Nhật Bản. Hiện tại, nền công nghiệp quốc phòng của Nhật chậm phát triển hơn nhiều so với của Trung Quốc và còn kém cỏi so với một số quốc gia khác nữa. Trái lại, đội ngũ kỹ sư của Nhật được đào tạo và có chuyên môn rất cao. Từ nhiều thập niên qua Nhật Bản luôn dẫn đầu về công nghệ mới. Thành thử khi mà Mỹ, Nhật hợp tác với nhau để cùng chế tạo thiết bị quân sự hay vũ khí thì hai nền công nghiệp này sẽ bổ sung cho nhau, họ sẽ nhanh chóng sản xuất được nhiều và với giá rẻ. Thêm một lợi thế khác nữa là vũ khí sẽ sản xuất trên lãnh thổ Nhật Bản. Điều này cho phép nền công nghiệp quốc phòng của Nhật nhanh chóng phát triển và có nhiều tiến bộ trong một thời gian ngắn. Nói cách khác đây là một thỏa thuận có lợi cho cả đôi bên ».   

    Đành rằng trong thông cáo chung, tổng thống Biden và thủ tướng Kishida cùng nhấn mạnh chủ đích của đôi bên là « tăng cường khả năng răn đe », để bảo đảm Ấn Độ-Thái Bình Dương là một vùng biển « tự do và rộng mở trước những thách thức ngày càng lớn đối với an ninh khu vực ». Nhà báo Pierre Antoine Donnet mục tiêu răn đe đó của Hoa Kỳ và Nhật Bản trực tiếp nhắm vào Trung Quốc.

    Pierre Antoine Donnet« Trong những ngày vừa qua chúng ta thấy rõ tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cùng quyết tâm thiếp lập một liên minh quân sự càng lúc càng chặt chẽ giữa hai quốc gia đồng minh này và cùng với một số nước khác trong vùng Châu Á-Thái Bình Dương để cưỡng lại áp lực đang lớn mạnh từ phía Trung Quốc. Áp lực đó ngày càng rõ nét để trở thành một mối đe dọa về mặt quân sự. (...)

    Một trong những người đầu tiên chủ trương tái vũ trang Nhật Bản là cố thủ tướng Shinzo Abe và như đã biết, ông đã bị ám sát hồi năm 2022. Giờ đây thủ tướng đương nhiệm, Fumio Kishida, khẳng định rằng mối đe dọa xuất phát từ Trung Quốc đã lớn đến mức mà Nhật Bản cần nhanh chóng hiện đại hóa quân đội để có thể đối phó trong trường hợp xảy ra xung đột vũ trang. Chính ông Kishida quyết định đẩy ngân sách quốc phòng của Nhật đang từ 1 % GDP lên thành 2 % trong một thời gian rất ngắn và đây là điều chưa từng xảy ra tại một quốc gia có bản Hiến Pháp chủ hòa như ở Nhật từ khi kết thúc Thế Chiến Thứ Hai năm 1945 ». 

    Từng công tác lâu năm tại Bắc Kinh và Tokyo, Pierre Antoine Donnet không quên yếu tố Philippines trong những tính toán của cả Hoa Kỳ lẫn Nhật Bản như đã được ghi nhận nhân thượng đỉnh ba bên Mỹ-Nhật và Philippines hôm 11/04/2024 vừa qua :

    Pierre Antoine Donnet: «Thực ra thượng đỉnh ba bên Mỹ-Nhật và Philippines quan trọng không kém, vì Biển Đông trải rộng trên diện tích khoảng 4 triệu cây số vuông là nơi mà Trung Quốc không ngừng phô trương thanh thế, lắp đặt các cơ sở quân sự… Đây là một khu vực quan trọng bậc nhất về mặt địa chính trị và là một ngả giao thương quốc tế, mà hàng tỷ đô la hàng hóa đi qua. Những hành vi hù dọa, uy hiếp tàu thuyền Philippines từ hơn một tháng nay là nhằm thị uy, để Manila tách rời khỏi Washington và công nhận Trung Quốc là ông chủ trong vùng biển này. Qua đó Philippines phải thuần phục Bắc Kinh, thuần phục đảng Cộng Sản Trung Quốc »..  

    Chiến lược phát triển công nghiệp vũ khí của Nhật

    Để trở thành « đối tác toàn diện về kinh tế, kỹ thuật và an ninh » của Hoa Kỳ, Nhật Bản đã có những bước chuẩn bị dài hơi : tháng 12/2023 chính quyền Fumio Kishida thông qua ngân sách quốc phòng hơn 50 tỷ đô la cho giai đoạn 2024-2025, tăng 17 % so với một năm trước đó.

    Tokyo từ 2022 trong hai tài liệu về Chiến Lược Quốc Phòng và Chiến Lược An Ninh Quốc Gia đã đề ra mục tiêu dành đến 2 % GDP cho các chi phí quân sự mà chủ yếu là « tăng tốc hiện đại hóa quân đội » như vừa nói có nghĩa là, thiết kế tàu chiến thế hệ mới, trang bị hệ thống tên lửa chống hạm Aegis của Mỹ, tăng cường khối lượng dự trữ tên lửa, mua thêm tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ, phát triển hệ thống phòng không chống tên lửa siêu thanh... Tokyo cũng dành hẳn nhiều ngân sách cho các vế sản xuất drone, mở rộng các hoạt động về an ninh mạng và mảng « công nghệ không gian phục vụ các mục tiêu quân sự ».

    Nhà nghiên cứu Marianne Péron Doise, chuyên về an ninh biển ở khu vực Đông Bắc Á trường Khoa Học Chính Trị Sciences Po. Paris lưu ý, Nhật Bản là một quốc gia duy nhất trên thế giới quyết định « tăng chi phí quốc phòng tương đương với 1 % GDP lên thành 2 % tổng sản phẩm nội địa trong vỏn vẹn 5 năm ». Đó là yếu tố đầu tiên khiến Mỹ rất hài lòng.

    Hơn nữa, do cuộc chiến Ukraina, Tokyo đã nới lỏng một số nguyên tắc cho phép chuyển giao thiết bị quân sự, chuyển giao công nghệ quốc phòng cho một số quốc gia. Từ 2014 Nhật Bản đã bắt đầu xuất khẩu thiết bị quân sự với điều kiện đó không là vũ khí sát thương, nhưng đến cuối 2023 thì danh sách hàng được xuất khẩu trong lĩnh vực này đã được mở rộng thêm và bao gồm cả 80 « loại vũ khí và thiết bị sát thương, 13 quốc gia được giao dịch với các tập đoàn Nhật Bản trong lĩnh vực này ». Hãng tin Kyodo khẳng định « Nhật Bản, tựa như Hoa Kỳ hay Pháp muốn trở thành một nguồn xuất khẩu vũ khí trên thế giới và đây sẽ là một bước ngoặt lịch sử »

    Những thay đổi nói trên vừa là cơ sở vừa là cơ hội cho các chương trình hợp tác tập đoàn công nghiệp quốc phòng của Mỹ và Nhật Bản.

    Ẩn số về tiềm lực của mạng lưới công nghiệp Nhật Bản

    Câu hỏi còn lại là liệu rằng các tập đoàn công nghiệp của Nhật như Toshiba, Mitsubishi Electric hay Subaru, Daikin có đủ sức và dễ dàng chấp nhận lao vào cuộc chơi cộng tác rồi cạnh tranh với những « ông lớn » trong ngành như Lockheed Martin của Mỹ hay BAE Systems PLC của Anh hay không ?

    Theo một điều tra của Reuters (26/03/2023) nếu như trong nhiều thập niên qua các tập đoàn nói trên, với tên tuổi rất quen thuộc với người tiêu dùng, đã « kín đáo trang bị cho lực lượng phòng vệ Nhật Bản, tăng công suất để trở thành những con chim đầu đàn trong lĩnh vực xuất khẩu vũ khí không là chuyện dễ vì số này sợ rằng sẽ mất đi cảm tình của người tiêu dùng bình thường tại một quốc gia mà công luận có khuynh hướng chủ hòa. Một nhà báo độc lập tại Tokyo được báo The Diplomat hôm 10/04/2024 trích dẫn lo ngại về khả năng sản xuất của các tập đoàn công nghiệp Nhật Bản vừa phục vụ các mục tiêu dân sự và quân sự có hạn.

    Thí dụ như Mitsubishi Heavy Industries sản xuất máy bay phản lực và tên lửa để răn đe Trung Quốc nhưng hoạt động chính của tập đoàn này là chế tạo động cơ máy bay dân sự và trang thiết bị cho các nhà máy điện, sản xuất máy móc cho các dây chuyền lắp ráp xe ô tô … Các hợp đồng với chính phủ Nhật chỉ chiếm « 10 % doanh thu của đại công ty này ».  

    Không chắc các thỏa thuật phát triển vũ khí chung với Mỹ mà thủ tướng Fumio Kishida vừa đạt được nhanh chóng cho phép đảo ngược thế cờ.

    Phản ứng của Bắc Kinh ?

    Dù vậy nhìn từ Bắc Kinh, viễn cảnh Nhật Bản và Mỹ hợp tác để trở thành những nguồn cung cấp vũ khí cho thế giới, viễn cảnh tên lửa hiện đại hay các hệ thống phòng thủ chống tên lửa siêu thanh sắp ra đời ngay trên lãnh thổ Nhật Bản gần sát Trung Quốc không là một điềm lành.

    Đây sẽ là một yếu tố mới gây thêm hiềm khích giữa Tokyo và Bắc Kinh, nhất là vào thời điểm mà kinh tế Nhật Bản thì đã nhanh chóng phục hồi sau đại dịch Covid, các chỉ số chứng khoán của Tokyo đi từ kỷ lục này đến kỷ lục khác. Trái lại không khí trên các sàn chứng khoán Trung Quốc vẫn khá ảm đạm.

    Do vậy giới phân tích chờ đợi Trung Quốc sẽ đẩy mạnh đầu tư nhằm tăng cường tiềm năng công nghiệp quốc phòng để vẫn giữ được thế thượng phong so với các tập đoàn của Nhật, để không bị ảnh hưởng vì chiến thuật « răn đe » từ phía các đồng minh của Hoa Kỳ.

    Tue, 16 Apr 2024
  • 167 - Trung Quốc dùng công cụ tiền tệ cuối cùng để cứu vãn kinh tế ?

    Tăng trưởng chậm tại và khủng hoảng địa ốc kéo dài khiến Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc liên tục giảm lãi suất, "bơm thêm" thanh khoản để khuyến khích tiêu thụ và đầu tư. Những biện pháp "truyền thống" dường như chưa đủ mạnh. Bắc Kinh cân nhắc sử dụng đến "công cụ tiền tệ cuối cùng" để cứu vãn tình hình.

    « Mua lại công trái phiếu » của chính phủ là gì ? Hiệu quả đến đâu và tại sao giới trong ngành thận trọng với « công cụ tiền tệ này »ngay cả khi đã được chủ tịch Trung Quốc đã gợi ý ? RFI tiếng Việt mời chuyên gia về tiền tệ và ngân hàng, Victor Lequillerier, đồng sáng lập viên cơ quan tư vấn BSI Economics, Paris, trả lời các câu hỏi trên.

    Nhật báo Hồng Kông ngày 28/03/2024 nhắc lại tuyên bố từ tháng 10/2023 của ông Tập Cận Bình là « cần sử dụng triệt để hơn và mở rộng các công cụ tiền tệ », đã đến lúc « Ngân Hàng Trung Ương từng bước mở rộng các khoản giao dịch công trái phiếu trên thị trường mở ». Từ đó đến nay, chỉ thị này vẫn chưa được chấp hành. Thống đốc Phan Công Thắng (Pan Gongsheng) vẫn chưa mua vào công trái của chính phủ. Nhưng theo giới quan sát đấy chỉ là vấn đề thời gian, bởi Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc đang chịu áp lực rất lớn để phải tính đến giải pháp đã « không được sử dụng từ hơn 20 năm qua ».

    Thiếu thanh khoản hay khối lượng tiền lưu hành tăng không đủ nhanh ?

    Trên đài RFI Việt ngữ, Victor Lequillerier ngạc nhiên về đề nghị của ông Tập Cận Bình đòi Ngân Hàng Trung Ương sử dụng một công cụ « gây nhiều tranh cãi » trong chính sách tiền tệ của Trung Quốc. Nhưng trước hết, đồng sáng lập viên cơ quan tư vấn BSI Economics, Paris phân tích vì sao báo chí Trung Quốc nhắc lại gợi ý của ông Tập từ mùa thu 2023.

    Victor Lequillirier : « Phải đặt lại bối cảnh tuyên bố này. Thực ra đề xuất đã được ông Tập Cận Bình nêu lên từ hồi tháng 2023 nhưng từ đó đến nay Ngân Hàng Trung Ương không tỏ ra mặn mà. Vả lại, tình hình kinh tế Trung Quốc hiện tại có vẻ khả quan hơn. Tháng 10 năm ngoái, tăng trưởng bị chựng lại ; Trung Quốc bị đặt trước nguy cơ bị giảm phát ; đầu tư tăng rất chậm và đó cũng là thời điểm người ta hoài nghi về khả năng thanh toán và khả năng đi vay thêm tín dụng của một số chính quyền cấp tỉnh, cấp địa phương. Sau khóa họp Quốc Hội vào tháng 3/2024 Bắc Kinh đề ra mục tiêu 5 % tăng trưởng cho năm nay. Mục tiêu đó chỉ đạt được nếu như chính quyền trung ương tăng ngân sách chi tiêu để kích cầu (…).

    Sở dĩ giờ đây báo chí Trung Quốc nhắc lại tuyên bố này của ông Tập, có lẽ công luận thực sự lo ngại là tình trạng tài chính của nền kinh tế thứ hai toàn cầu đang xấu đi và vì nên vậy phải kết hợp cùng lúc hai công cụ để vực dậy kinh tế. Nghĩa là vừa phải tăng ngân sách vừa phải nới rộng các chính sách tiền tệ và phải tích cực hơn trong nỗ lực vận dụng cả hai công cụ này».

    Nhưng về cơ bản « mua lại công trái phiếu là gì » và trong trường hợp của Trung Quốc, giải pháp đó có hiệu quả hay không ?  

    Victor Lequillerier : « Áp dụng biện pháp đó có nghĩa là Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc trực tiếp hoặc gián tiếp can thiệp để thúc đẩy kinh tế. Ngân Hàng Trung Ương không bơm thêm tiền để làm tăng mức nợ công của nhà nước hay của các chính quyền địa phương. Định chế này chỉ mua lại công trái phiếu nhà nước phát hành và có thể là chúng đang do các ngân hàng thương mại, ngân hàng đầu tư … hay các chính quyền địa phương nắm giữ.

    Trong trường hợp của Trung Quốc có nghĩa là chính sách tiền tệ sẽ có hiệu quả lớn hơn, một khi mà những ai đang nắm giữ công trái phiếu được bảo đảm rằng, ở bất kỳ thời điểm nào, chúng cũng có thể được hoán chuyển thành tiền mặt. Điều đó có nghĩa là lãi suất chỉ đạo ngân hàng sẽ lại càng được giảm xuống, qua đó những lãi suất tín dụng khác cũng giảm xuống theo …. Câu đặt ra là liệu rằng biện pháp mua lại công trái phiếu có thích hợp với trường hợp của Trung Quốc hiện nay hay không ? Tôi nghĩ là không : bởi vì Ngân Hàng Trung Ương vẫn còn nhiều công cụ có thể sử dụng được trước khi cần phải mua lại công trái phiếu».

    Chưa cần đến giải pháp cuối cùng 

    Mua lại công trái phiếu cho phép nới lỏng định lượng ngân hàng, qua đó giảm lợi suất trái phiếu và kích thích kinh tế nhưng đối với Trung Quốc, thì thứ nhất là lãi suất đã được giữ ở mức thấp và thứ hai là như chuyên gia về tài chính ngân hàng của Pháp Victor Lequillerier vừa giải thích Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc vẫn còn nhiều lá chủ bài trong tay trước khi phải sử dụng đến đòn mua lại công trái phiếu như ông Tập Cận Bình đề xướng. Đồng sáng lập viên cơ quan tư vấn BSI Economics cho rằng trước mắt Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc chưa sử dụng hết tất cả những công cụ có sẵn trong tay :

    Victor Lequillerier :« Những công cụ đó thông thường là các loại lãi suất ngân hàng, với một vài nét hơi đặc biệt của Trung Quốc. Tôi muốn nói đến lãi suất LPR, tức là lãi suất cho vay cơ bản. Ở Trung Quốc LPR có thời hạn 5 năm được xem là một lãi suất để tham khảo và từ đó ấn định lãi suất thế chấp trên thị trường. Ngoài ra còn có những công cụ tài chính khác như các khoản giao dịch Repo và Reverse Repo để những ai đang nắm giữ cổ phiếu hoặc công trái phiếu dễ dàng bán đi với cam kết là sẽ mua lại chúng trong một thời hạn nhất định với giá cao hơn so với giá đã bán ra ban đầu. Biện pháp này cho phép nhanh chóng huy động tiền mặt.

    Công cụ thứ ba là lãi suất cho vay trung hạn MLF. Cuối cùng, Ngân Hàng Trung Ương vừa có thể điều chỉnh các loại lãi suất ngân hàng như đã nói, vừa có thể điều chỉnh mức dự trữ bắt buộc của các ngân hàng. Hạ thấp khoản dự trữ bắt buộc cho phép ngân hàng dễ dàng mở van tín dụng, cấp thêm vốn cho tư nhân, cho các chính quyền địa phương để thúc đẩy kinh tế. Vậy tại sao lại phải sử dụng đến chính sách « mua lại công trái phiếu » ? Trên nguyên tắc, mua lại công trái phiếu là liều thuốc sau cùng, khi « đã hết thuốc chữa ». Tuy nhiên tình trạng của Trung Quốc không tuyệt vọng đến như vậy bởi vì Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc vẫn có thể tiếp tục hạ lãi suất để kích cầu».

    Coi chừng lợi bất cập hại 

    Đề xuất của ông Tập Cận Bình là con dao hai lưỡi. Một mặt biện pháp này cho phép kích cầu nhờ lãi suất chỉ đạo ngân hàng được hạ xuống thấp. Mặt khác, lãi suất thấp cũng có nhiều bất lợi cho Trung Quốc nhất là khi mà suất ngân hàng ở Mỹ, châu Âu đang tăng lên cao. Đồng nhân dân tệ bị mất giá và vốn đầu tư ngoại quốc có khuynh hướng « chạy » sang nơi khác với hy vọng kiếm lời cao hơn.

    Ngoài ra Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc thận trọng với giải pháp của ông Tập Cận Bình do biện pháp mua vào công trái phiếu sẽ thổi nên những quả bóng đầu cơ khác và đó là điều Ngân Hàng Trung Ương không muốn xảy ra.

    Câu hỏi cuối cùng : giải pháp huy động Ngân Hàng Trung Ương mua lại công trái phiếu có cho phép kích thích tăng trưởng của Trung Quốc và ngăn chận hiện tượng chảy máu đầu tư trực tiếp nước ngoài khỏi Hoa Lục hay không ?  

    Victor Lequillerier : « Ở đây có hai vấn đề : quyết định của ông Tập là nhằm tăng cường mọi khả năng để hạ lãi suất ngân hàng và bảo đảm rằng mọi tác nhân trong chuỗi kinh tế của Trung Quốc không sợ bị thiếu thanh khoản, bởi đã có Ngân Hàng Trung Ương đứng ra bảo đảm. Hệ quả kèm theo là các chính quyền địa phương có thể huy động thêm vốn để tiếp tục tài trợ các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng. Trong trường hợp cần thiết, họ được trung ương, qua vai trò của Ngân Hàng Trung Ương cung cấp tiền mặt. Nói cách khác các cấp tỉnh, cấp vùng có phương tiện để đạt mục tiêu tăng trưởng 5 % như trung ương đã đề ra. Nhưng bên cạnh đó biện pháp này không giúp giải quyết vấn đề Trung Quốc đang để thất thoát đầu tư nước ngoài. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Hoa Lục giảm mạnh là do những chính sách kinh tế của Bắc Kinh, do môi trường cạnh tranh bất lợi cho doanh nghiệp ngoại quốc.... Thành thử biện pháp mua vào công trái phiếu không giúp Bắc Kinh đảo ngược thế cờ và lôi kéo trở lại các nguồn đầu tư của quốc tế vào Trung Quốc».    

    Bên cạnh những phân tích thuần túy mang tính kỹ thuật của ngành ngân hàng đó, giới nghiên cứu cũng lưu ý rằng : Bắc Kinh đang đi tìm một « mô hình kinh tế mới »với « những mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng » có nghĩa là vừa phải « ổn định được những gì đang đem lại tăng trưởng cho Trung Quốc từ trước đến nay » (như bất thị trường nhà đất, như các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng) đồng thời phải « ồ ạt đầu tư vào các mảng công nghệ mới » (trong số này bao gồm từ trí tuệ nhân tạo đến công nghiệp sản xuất xe ô tô điện hay pin mặt trời …).

    Trung Quốc ý thức được rằng lĩnh vực địa ốc, có trọng lượng tương đương với gần 1/3 tổng sản phẩm nội địa trong ba năm liên tiếp cần phải được hồi sinh. Các giới chức chính trị và kinh tế ở Bắc Kinh hiểu rõ hơn ai hết là đầu tàu tăng trưởng của Trung Quốc trong những năm sắp tới không phải là sản xuất hàng may mặc hay máy tính điện tử và kể cả những tấm pin mặt trời mà là những trang thiết bị viễn thông thế hệ mới, là bí quyết làm chủ trí tuệ nhân tạo … do vậy Trung Quốc cần rất nhiều vốn trong giai đoạn chuyển đổi sang một nền công nghệ của tương lai. 

    Để bảo đảm tăng trưởng cho cả các lĩnh vực truyền thống và tương lai đó mà Trung Quốc cần huy động nhiều vốn tối đa và trong thời gian ngắn nhất. Có lẽ đấy mới là chủ đích khi ông Tập huy động Ngân Hàng Trung Ương mở rộng chính sách tiền tệ. 

    Tue, 09 Apr 2024
  • 166 - Dịch vụ điện toán - digital của Pháp : Atos, con chim đầu đàn gẫy cánh

    Hơn 100 ngày trước lễ khai mạc Olympic Paris 2024, tập đoàn Pháp Atos, một trong những cột trụ bảo đảm các dịch vụ điện toán, an toàn cho môi trường digital của sự kiện thể thao trọng đại nhất toàn cầu, rơi vào tâm bão. Atos mất đến 97 % trị giá trên các sàn chứng khoán trong 4 năm và có đúng 4 tháng để huy động 3,5 tỷ euro thanh toán nợ đáo hạn.

    Công ty Atos bảo đảm các dịch vụ máy tính cho các nhà máy điện hạt nhân và quản lý, cất giữ các dữ liệu hành chính liên quan đến gần 70 triệu dân Pháp. Chính phủ kỳ vọng vào con chim đầu đàn về tin học này để phát triển trí tuệ nhân tạo, để độc lập với công nghệ digital của Mỹ, để bảo mật các dữ liệu « nhậy cảm » về an ninh, đề phòng những hoạt động phi pháp từ các toán tin tặc, nhất là của Nga, Trung Quốc hay Iran, Bắc Triều Tiên. 

    Olympic Paris 2024 không chỉ là sân chơi cho các vận động viên quốc tế tranh tài. Đây còn là tủ kính để các tập đoàn công nghệ số hàng đầu thế giới cạnh tranh. Thế Vận Hội cũng là đấu trường giữa các công ty bảo vệ an ninh mạng với các toán tin tặc càng lúc càng năng động với những kỹ thuật và chiến lược càng lúc càng tinh vi. Tổ chức trên sân nhà, Pháp kỳ vọng nhiều vào Atos.

    Một cách cụ thể, Atos lo liệu nhiều khâu dịch vụ khác nhau, từ việc đăng ký và cấp giấy phép cho các vận động viên, các phái đoàn đến dự Olympic Paris, phân phối vé vào cửa cho mỗi cuộc tranh tài, bảo đảm dịch vụ niêm yết trực tiếp về kết quả các cuộc thi đấu trong suốt thời gian diễn ra Thế Vận Hội và Paralympic. Điều đó cũng có nghĩa là tập đoàn Pháp này nắm giữ rất, rất nhiều thông tin cá nhân nhậy cảm liên quan đến các vận động viên của thế giới, đến các quan chức trong những phái đoàn quốc gia, liên quan đến thẻ tín dụng ngân hàng của tất cả những ai đặt vé vào xem các cuộc tranh tài … Atos cũng sẽ phải bảo đảm rằng trong 3 tuần lễ Olympic và gần 2 tuần Paralympic, không một tác nhân « ngoài cuộc nào thâm nhập được vào các hệ thống tin học » của nước chủ nhà, của các hãng gia công, không một sự cố nghiêm trọng nào « đánh sập » trang nhà Thế Vận Hội Paris, làm tê liệt hệ thống mua bán vé trên mạng, hay can thiệp vào mạng các cơ sở hạ tầng thiết yếu trên toàn quốc …

    Được thành lập từ 1997, theo bảng xếp hạng NelsonHall (của Anh), Atos là một trong ba tập đoàn hàng đầu thế giới có mức độ « đáng tin cậy nhất, hiệu quả nhất » để chận các vụ thâm nhập bất hợp pháp vào mạng tin học của các mục tiêu bị nhắm tới. Atos có « 15 trung tâm an ninh mạng, 6.000 chuyên gia và 30 năm kinh nghiệm », áp dụng các hệ thống tin học được sử dụng trong thế giới thể thao.

    Một cột trụ lung lay trước những thách thức lớn

    Chỉ có điều là con chim đầu đàn này đang gặp nạn vào lúc nguy cơ Olympic Paris gặp sự cố tin học « cao hơn gấp từ 8 đến 10 lần so với Thế Vận Hội Tokyo hồi năm 2021 ». Một lãnh đạo cao cấp của Atos đã nhắc lại là « 450 triệu sự cố cyber » đã xảy ra nhân Olympic Tokyo 2021. Cơ quan quốc gia Pháp đặc trách về an toàn cho các hệ thống tin học ANSSI trong báo cáo cuối tháng 2/2024 đặc biệt chú ý đến các hoạt động của tác toán tin tặc do Nga, Trung Quốc, Iran và Bắc Triều Tiên giật dây.

    Hỏa ngục tài chính

    Vậy mà hơn 100 ngày trước lễ Khai Mạc Thế Vận Hội Paris, các tin xấu dồn dập đổ vào Atos : Từ nay đến cuối tháng 7, tập đoàn này phải gấp rút huy động 3,5 tỷ euro thanh toán nợ đáo hạn (trước cuối 2025). Hai đối tác duy nhất và được coi là có triển vọng nhất đang đàm phán để mua lại một phần vốn của Atos thì vào giờ chót tuyên bố bỏ cuộc.

    Điều đó có nghĩa là tập đoàn số 3 thế giới trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ tin học phải đàm phán lại - gần như là từ đầu, mất thêm thời gian để huy động vốn. Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu của Atos rơi xuống còn chưa đầy 2 euro thay vì cả trăm euro như hồi năm 2020.

    Trên kênh truyền hình tư nhân BFM TV, Guy Mamou Mani, chủ tịch - tổng giám đốc cơ quan tư vấn Gadax Conseil, trụ sở tại quận 9 Paris, nhấn mạnh đến một nghịch lý khó hiểu : Atos bị các cổ đông ruồng bỏ cho dù vẫn không ngừng thu vào thêm những hợp đồng mới.

    Những khách hàng của Atos là những « giá trị đáng tin cậy » như Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế CIO, như nhà nước Pháp, quân đội Pháp, như Cơ Quan Vũ Trụ và Không Gian Châu Âu, là những tên tuổi lớn trong ngành tài chính ngân hàng, năng lượng … của Pháp và châu Âu : « Atos là một tập đoàn với hơn 100 ngàn nhân viên trên thế giới, là một hãng chuyên cung cấp những dịch vụ về điện toán hiếm có trên thế giới, có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Nghịch lý ở đây làAtos vẫn đang kýthêm hợp đồng, làm việc với nhiều hãng lớn, không ngừng mở rộng danh sách các thân chủ tín nhiệm Atos và nhất là đang nắm giữ nhiều lĩnh vực then chốt và chiến lược, khó có thể ủy thác cho các công ty nước ngoài. Nhưng bên cạnh đó làtình trạng tài chính vô cùng tệ hại của con chim đầu đàn này ».

    Nguy cơ bị xẻ lẻ

    Ngay từ khi được thành lập năm 1997 Atos có nhiệm vụ quản lý hệ thống tin học cho các cơ quan nhà nước. Với vai trò càng lớn của công nghệ kỹ thuật số, của các dịch vụ trên mạng, Atos giờ đây quản lý, bảo đảm an ninh cho hệ thống điện toán của sở thuế vụ quốc gia, của các cơ quan bảo hiểm y tế, xã hội, thất nghiệp … tại Pháp. Các nhà máy điện lực, hệ thống giao thông công cộng, hệ thống tài chính ngân hàng của Pháp … và nhiều đối tác châu Âu đều trong tay Atos. Các hoạt động này được tập trung trong thực thể mang tên Tech Foundations. 

    Ngoài ra, Atos còn là một trong những nhà sản xuất « siêu máy tính » hiếm hoi trên thế giới với chức năng tiến hành hàng tỷ, tỷ phép tính số học mỗi ngày để sử dụng trong cac lĩnh vực khoa học, quân sự hay trí tuệ nhân tạo … Atos cũng chuyên về phát triển trí tuệ nhân tạo, công nghệ data, bảo đảm an ninh trong môi trường digital. Mảng hoạt động này đang được phát triển mạnh, do Eviden và BDS điều hành, cả hai cùng là những chi nhánh của Atos. 

    Trở lại câu hỏi vì sao Atos rớt đài ? Chủ tịch - tổng giám đốc cơ quan tư vấn Gadax Conseil của Pháp thực sự lấy làm tiếc là tương tự như nhiều đại tập đoàn công nghiệp trên thế giới, tiếng nói của các cổ đông càng lúc càng được lắng nghe. Hệ quả kèm theo là « không một kỹ sư có kinh nghiệm trong ngành được mời tham gia hội đồng quản trị của Atos. Đây là câu lạc bộ độc quyền của một số chính khách và rất nhiều ông chủ ngân hàng, chủ nhân các quỹ đầu tư … »  

    Leïla Marchand, nhà báo chuyên phụ trách chuyên mục Tech Medias của báo kinh tế Les Echos, giải thích : « Về mặt chính thức, chúng ta biết hãng này đang gặp khó khăn, sau một loạt những tính toán sai lầm, và từ năm 2021 Atos đã tính đến khả năng chuyển nhượng lại một số hoạt động của công ty. Chủ yếu là tách rời hai mảng : bán đi các chi nhánh đang gặp khó khăn, để chỉ giữ lại những lĩnh vực đang cho phép thu về lợi nhuận cao và như là bảo đảm các dịch vụ an ninh mạng và sử dụng siêu máy tính để điều hành các nhà máy điện hạt nhân ».

    Nguy cơ chuyển nhượng một lĩnh vực « nhậy cảm » cho một nhà đầu tư nước ngoài

    Do vậy, nghịch lý ở đây là Atos bị đẩy vào thế phải chạy đua với thời gian, tìm ra vài tỷ euro để thỏa mãn đòi hỏi ngày càng lớn của các cổ đông. Trong cuộc chạy đua đi tìm lợi nhuận đó, « một trong những con chim đầu đàn có thể bảo đảm được thế tự chủ của Pháp về công nghệ trong thời đại kỹ thuật số » có nguy cơ đánh mất đi những công cụ quý giá, như là một đội ngũ chuyên gia với tay nghề cao, uy tín của một rào cản đáng tin cậy để bảo mật những thông tin liên quan đến an ninh quốc gia. Tệ hơn nữa, Atos, trong thế yếu, đang đàm phán với một nhà tài phiệt gốc Séc để chuyển nhượng lại một phần những hoạt động mà chính nhà nước Pháp coi là « ưu tiên hàng đầu để giành lấy quyền tự chủ và độc lập với công nghệ của Mỹ ».

    Leïla Marchand, báo Les Echos của Pháp, giải thích tiếp : « Điều cấp bách nhất hiện nay là phải có tiền mặt vì Atos đang bị đẩy vào chân tường, trước một núi nợ 5 tỷ euro, trong đó 3,5 tỷ phải được thanh toán trước cuối năm 2025. Tức là trong bối cảnh đó, Atos đang phải đàm phán lại với các chủ nợ, đồng thời nằm trong tầm ngắm của các cơ quan thẩm định tài chính. Tháng Giêng 2024, mức độ đáng tin cậy của Atos đã bị hạ 3 nấc điểm. Vào lúc cần phải đi vay thêm, cần phải tìm kiếm các đối tác để mua lại một phần các hoạt động của mình thì Atos lại bị công ty thẩm định tài chính Mỹ, S&P, xếp vào loại những tập đoàn mang tính rủi ro cao ».

    Về phần Gwenaëlle Barzic, cũng thuộc tờ Les Echos, bà coi việc Atos bị S&P hạ điểm tín nhiệm là một đòn chí tử gây thêm khó khăn cho một trong những công ty có triển vọng nhất của Pháp trong lĩng vực digital : « Đây là một tin quan trọng vì bị hạ điểm tín nhiệm như vậy tạo hoang mang nơi một số thân chủ của Atos, và thậm chí là một số khách hàng có thể quay lưng lại với một tập đoàn có điểm tín nhiệm quá thấp. Hơn nữa, với điểm tín nhiệm thấp như vậy, Atos càng bị suy yếu vào lúc hãng này cần đàm phán lại về hợp đồng để chuyển nhượng lại một số hoạt động và cần huy động vốn để chuẩn bị thanh toán nợ hàng tỷ euro sắp đáo hạn ».

    Trước mắt, Atos khẳng định những biến động về tình hình tài chính của tập đoàn này không ảnh hưởng đến các thân chủ và sẽ vẫn chu toàn nhiệm vụ theo hợp đồng trong mùa Thế Vận Hội Paris năm nay.   

    Ba bài học từ Atos

    Tuy nhiên, hiện thời có ít nhất ba bài học có thể rút ra được từ trường hợp đặc biệt của Atos : một là thế rất mạnh của các cổ đông có thể tạo nên một cơn bão vô tiền khoáng hậu và thậm chí là có nguy cơ khai tử một trong những tập đoàn được cho là thuộc diện an toàn nhất.

    Thứ hai là bên cạnh những tính toán đầy mạo hiểm từ nhiều đời lãnh đạo khác nhau để phát triển và vươn lên thành một trong những công ty mũi nhọn trên thế giới digital, Atos đang trả giá cho một số sai lầm, mà điển hình là núi nợ 5 tỷ euro phải thanh toán trước ngưỡng 2029.

    Điểm thứ ba là cho dù chính phủ Pháp, cũng như Liên Âu, đã đề ra mục tiêu « tự chủ về công nghệ, data, trí tuệ nhân tạo, tăng cường an ninh mạng ... », nhưng những khẩu hiệu đó đang vấp phải thực tế như trong trường hợp của Atos hiện nay. Đó là chưa kể đến những đòn cạnh tranh nguy hiểm ngay giữa các thành viên của châu Âu là Pháp và Đức. Bởi trong hồ sơ giải cứu Atos này, dự án tập đoàn Airbus, mà Pháp và Đức là hai thành viên chủ chốt, mua lại chi nhánh BDS đã nhiều lần bị hỏng, để rồi tạm thời một tập đoàn của Đức, đối thủ cạnh tranh với Atos, hưởng lợi.

    115 ngày trước Olympic Paris 2024 và trước áp lực rất lớn mà các toán tin tặc đang đặt ra, ai cùng biết rằng thành công hay thất bại của Thế Vận Hội lần này phần nào tùy thuộc và khả năng của Pháp « bảo đảm an ninh và an toàn cho các hệ thống tin học ». Đối với Atos cũng như nước chủ nhà, mục đích duy nhất sẽ là làm thế nào để tất cả các toán tin tặc bị việt vị trong suốt mùa Thế Vận Hội và Paralympic Paris.

    Tue, 02 Apr 2024
Mostrar más episodios