Podcasts by Category

Tạp chí đặc biệt

Tạp chí đặc biệt

RFI Tiếng Việt

Phân tích những hồ sơ lớn, nóng bỏng. 

103 - Các đảng cực hữu châu Âu, công cụ giúp Trung Quốc thao túng khối 27 nước ?
0:00 / 0:00
1x
  • 103 - Các đảng cực hữu châu Âu, công cụ giúp Trung Quốc thao túng khối 27 nước ?

    Mỹ thông qua gói viện trợ 61 tỉ đô la giúp Ukraina chống xâm lược Nga. Nửa năm bế tắc tại Hạ Viện dường như đã được khai thông, đặc biệt sau chuyến đi của chủ tịch Hạ Viện đến tư dinh cựu tổng thống Donald Trump. Phong trào phản đối chiến tranh ở Gaza bùng lên tại nhiều đại học lớn của Mỹ trong bối cảnh Israel tuyên bố chuẩn bị tiến đánh thành phố cực nam Gaza, nơi nương náu của khoảng 1,5 triệu dân tị nạn chiến tranh, bất chấp nghị quyết của Hội Đồng Bảo An.

    Một người Đức gốc Hoa, ‘‘trợ lý’’ của lãnh đạo đảng cực hữu Đức AfD, nghị viên Châu Âu, ‘‘bị bắt quả tang’’ chuyển giao tài liệu nội bộ của Nghị Viện cho tình báo Trung Quốc. Vẫn về quan hệ châu Âu – Trung Quốc, nhưng liên quan đến kinh tế, hôm 23/04/2024 vừa qua, Nghị Viện Châu Âu thông qua đạo luật cho phép Bruxelles điều tra về các sản phẩm do ‘‘lao động cưỡng bức’’, mang lại 236 tỉ đô la trên phạm vi toàn cầu, vớ hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ bị cưỡng bức lao động tại Trung Quốc là một tâm điểm của đạo luật. Hôm sau, ngày 24/04, Liên Âu lần đầu tiên quyết định điều tra về chính sách của Bắc Kinh ngăn cản doanh nghiệp châu Âu tham gia ‘‘các dự án công’’ tại Trung Quốc, cụ thể là trong lĩnh vực thiết bị y tế, dược phẩm.

    Ngoài một số sự kiện chính trong tuần trên đây, Tạp chí Thế giới Đó đây xin giới thiệu bộ phim ‘‘Civil War’’ (hay Nội Chiến) của đạo diễn Anh Alex Garland, vừa ra rạp tại Pháp. Bộ phim viễn tưởng ‘‘Nội Chiến’’ - nói về ‘‘tương lai gần’’ của siêu cường số một thế giới - đặt xã hội Mỹ đối diện với những đối kháng nội bộ trầm trọng, có thể dẫn đến chiến tranh huynh đệ tương tàn.

    ‘‘Trợ lý’’ gốc Hoa của lãnh đạo AfD lộ mặt: Chấn động chính trường châu Âu

    Cho đến nay, đảng cực hữu Đức AfD (Alternative fur Deutschland – tạm dịch là Vì Một Nước Đức Khác), đứng thứ hai về tỉ lệ được lòng dân tại Đức, đã thường xuyên bị cáo buộc nhận tiền của Trung Quốc. Chính trị gia cực hữu Maximilian Krah, lãnh đạo đảng AfD, đã nằm trong tầm ngắm của an ninh Đức từ nhiều năm. Tuy nhiên, việc công dân Đức gốc Hoa Quách Kiến (Guo Jian), 43 tuổi, ‘‘cánh tay phải’’ của nhân vật số một của đảng, bị bắt ngày 23/04 với cáo buộc gián điệp, đã vén lộ mức độ thao túng nghiêm trọng hơn rất nhiều.

    Đọc thêm : Nghị Viện Châu Âu thông qua nghị quyết chống « can thiệp của nước ngoài »

    Ngay sau vụ bắt giữ, lãnh đạo đảng Krah buộc phải lui về tuyến sau, tránh tiếp xúc với cử tri, vì lo sợ uy tín của đảng AfD bị chôn vùi cùng với bê bối này. Trong lúc Bắc Kinh lên án ‘‘vu cáo’’ nhằm phá hoại quan hệ Trung Quốc – Châu Âu, đông đảo nghị viên châu Âu kêu gọi tư pháp đưa ra kết luận sớm, nhằm giúp cử tri có đủ thông tin để bầu chọn đúng đảng, đúng người.

    Đặc phái viên Daniel Vallot tường trình từ Strasbourg :

    ‘‘Viên trợ lý nghị viên này từng là cộng sự của một trong những nhân vật nặng ký của đảng cực hữu Đức AfD, và có thể ông ta đã chuyển cho các cơ quan tình báo Trung Quốc các thông tin liên quan đến những thỏa thuận trong nội bộ Nghị Viện Châu Âu. Theo nghị viên châu Âu thuộc đảng Xanh Terry Reintke, cần khẩn cấp mở điều tra về các vụ tham nhũng và can thiệp nội bộ này.

    Bà nói: ‘‘Chúng ta biết là kiểu điều tra này đôi khi đòi hỏi nhiều thời gian, nhưng đối với chúng tôi, điều quan trọng là các công dân châu Âu biết rõ trước khi bỏ phiếu: liệu có tham nhũng hay không, có các can thiệp bên ngoài vào hoạt động của Nghị Viện Châu Âu hay không, từ phía Trung Quốc, hoặc từ phía Nga ? Tôi yêu cầu các cấp có thẩm quyền của Nghị Viện Châu Âu cộng tác với chính quyền các nước liên quan để đưa ra một kết luận về vụ việc này một cách mau chóng nhất, tốt nhất là ngay trước các cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu.

    Vụ can thiệp vào nội bộ châu Âu mới nhất này diễn ra chỉ ít tuần sau khi tư pháp Bỉ mở điều tra về các vụ hối lộ và can thiệp nội bộ, lần này liên quan đến Nga. Một lần nữa vẫn lại là các nghị viên châu Âu cực hữu.’’

     

    Nga như ‘‘bão tố’’…, Trung Quốc như ‘‘biến đổi khí hậu’’...

    Hành tung của Quách Kiến gây nghi ngờ từ ít lâu nay. Tháng 10/2023, trang mạng t-onlinenói đến một nhân vật ‘‘gần gũi’’ với lãnh đạo đảng AfD, chỉ đạo một mạng lưới vận động hậu trường phục vụ quyền lợi của Trung Quốc ngay tại văn phòng của đảng này ở Nghị Viện Châu Âu. Theo thông báo chính thức của cơ quan công tố Đức, ‘‘Q. Kiến làm việc cho tình báo Trung Quốc. Vào tháng 1/2024, bị cáo đã nhiều lần chuyển (cho Bắc Kinh) các thông tin về các đàm phán và quyết định của Nghị Viện Châu Âu. Ngoài ra, người này còn thu thập thông tin về các nhà đối lập Trung Quốc ở Đức’’.

    Chính quyền Đức gần đây dự báo khả năng can thiệp ghê gớm của Trung Quốc. Theo ông Thomas Haldenwang, giám đốc Cơ quan Liên bang bảo vệ Hiến pháp, đối với Đức, can thiệp của Nga có thể ví như ‘‘cơn bão tố’’, còn tác động của Trung Quốc như ‘‘biến đổi khí hậu’’, tức thầm lặng, trầm trọng và lâu bền hơn rất nhiều (phát biểu năm 2022).

    Nhà Trung Quốc học Mareike Ohlberg (thuộc Quỹ Marshall), chuyên gia về các hoạt động gây ảnh hưởng của đảng Cộng Sản Trung Quốc, nhấn mạnh đến mục tiêu của Trung Quốc là tấn công vào ‘‘các điểm yếu của nền dân chủ phương Tây’’, thông qua các đảng phái như AfD. Chỉ ra ‘‘các điểm yếu’’ không nhằm mục đích cải thiện, mà để đả phá. Lãnh đạo đảng AfD cũng trở thành cái loa biện minh cho chế độ Bắc Kinh, khi khẳng định các cáo buộc Trung Quốc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ chỉ là ‘‘chuyện bịa đặt nhằm gây sợ hãi’’.

    Cực hữu châu Âu và độc tài "cộng sản": Đồng thanh tương ứng

    Theo quan điểm chính trị truyền thống châu Âu, cộng sản là cánh tả. Hợp tác giữa cộng sản và cực hữu là điều không tưởng. Nhưng ngược lại, theo giới chuyên gia, với nhiều đảng phái cánh hữu, nhất là cực hữu châu Âu, chế độ mang danh ‘‘cộng sản’’ của Trung Quốc lại rất gần gũi. Theo chuyên gia về chế độ Trung Quốc Katjia Drinhausen, viện tư vấn tư nhân Mercator Institute for Chinese Studies, có trụ sở ở Berlin, điều khiến nhiều lãnh đạo đảng cực hữu AfD của Đức bị chinh phục bởi chế độ ‘‘cộng sản’’ Trung Quốc là việc ‘‘đặt lợi ích kinh tế lên trên hết’’, ‘‘quan điểm dân tộc chủ nghĩa cứng rắn’’, ‘‘quyền lực tập trung’’, ''chống tự do tư tưởng cá nhân''.

    Trung Quốc hiện là đối tác kinh tế số một của Đức. Quan điểm của đảng AfD, qua lờinghị viên Peter Felser, một giới chức cao cấp của đảng, là quan hệ Đức – Trung phải ‘‘lấy kinh tế và lợi ích quốc gia làm đầu’’, đừng nói chuyện ‘‘đạo lý’’, chuyện ‘‘ý thức hệ chính trị’’. Theo chuyên gia Katjia Drinhausen, chế độ Bắc Kinh tìm cách gây dựng quan hệ với nhiều chính đảng tại Đức, tại châu Âu. Đảng cực hữu AfD đang lớn mạnh nhanh chóng, có thể trở thành đảng cầm quyền, đặt cược vào AfD là rất có lợi.  Truyền thông Pháp cũng ghi nhận việc Bắc Kinh vun trồng quan hệ với đảng cực hữu Pháp Tập hợp Dân tộc (RN) từ nhiều năm nay. Nghị viên châu Âu Hervé Juvin, từng là trợ thủ đắc lực của lãnh đạo đảng RN Marine Le Pen, coi Trung Quốc là ‘‘xứ sở của nhân quyền’’ và ‘‘đứng đầu thế giới về bảo vệ môi trường’’.

    Hàng loạt điều tra: ‘‘Lao động cưỡng bức’’, ‘‘trợ giá sản phẩm’’, ‘‘ngăn cản tiếp cận thị trường’’…

    Sau một thời gian dài lưỡng lự, Liên Hiệp Châu Âu đã quyết định mở một loạt điều tra nhắm vào các ‘‘cạnh tranh bất chính’’ của Trung Quốc trên thị trường châu Âu trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, xe ô tô điện... Trong tuần qua, Bruxelles lần đầu tiên mở điều tra, kể từ khi Liên Âu xác lập các quy định trong lĩnh vực này từ năm 2022, về cáo buộc Bắc Kinh ngăn chặn doanh nghiệp châu Âu tiếp cận ‘‘các dự án công’’ tại Trung Quốc.

    Theo ủy viên châu Âu phụ trách thương mại, Valdis Dombrovskis, Ủy Ban Châu Âu nghi ngờ Bắc Kinh tạo các rào cản, khiến doanh nghiệp châu Âu không thể tham gia đấu thầu các dự án công của Trung Quốc về thiết bị y tế, do chính sách ‘‘mua tại Trung Quốc’’. Mức độ kỳ thị đối xử đạt tới mức mà doanh nghiệp châu Âu gần như không có điều kiện tham gia thị trường này, trong lúc việc đấu thầu các dự án công của Liên Âu mở cửa đến 95% cho các cạnh tranh quốc tế. Để trả đũa, Bruxelles có thể ‘‘cấm cửa hoàn toàn’’ doanh nghiệp Trung Quốc tham gia lĩnh vực này tại châu Âu.

    Cũng trong tuần qua, ngày 23/04, Nghị Viện Châu Âu, với đa số áp đảo (555 phiếu thuận, 6 chống, 45 vắng mặt), cũng đã thông qua một đạo luật cho phép Bruxelles điều tra về các sản phẩm, do ‘‘người lao động bị cưỡng bức’’ làm ra, với ít nhất 27,6 triệu nạn nhân trên thế giới, với hơn 3,3 triệu trẻ em, trong đó có hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ tại Trung Quốc.

    Cùng ngày, Ủy Ban Châu Âu cho biết nhiều cuộc khám xét bất ngờ đã được tiến hành tại các văn phòng của một doanh nghiệp sản xuất và bán ‘‘các phương tiện bảo vệ an ninh’’ trong khuôn khổ điều tra về trợ giá. Bruxelles không cho biết địa điểm cụ thể, nhưng Phòng Thương mại Trung Quốc ở châu Âu lên án các cuộc khám xét ‘‘không thể biện minh’’ tại Hà Lan và Ba Lan nhắm vào một doanh nghiệp Trung Quốc.  

    Phong trào sinh viên Mỹ chống chiến tranh tại Gaza 

    Từ nhiều ngày nay, tại Hoa Kỳ, phong trào phản đối chiến tranh ở Gaza bùng lên trở lại tại nhiều trường đại học hàng đầu như tại đại học Havard, các đại học ở Los Angeles, Boston hay Austin, Texas. Để bày tỏ thái độ phản kháng sinh viên nhiều nơi đã chiếm lĩnh khuôn viên đại học, tương tự như phong trào ‘‘Occupy Wall Street’’, chiếm lĩnh thủ phủ tài chính của nước Mỹ hay phong trào ‘‘Nuit Debout’’ ở Pháp. Chủ tịch Hạ Viện Mike Johnson đe dọa yêu cầu Vệ binh  Quốc gia can thiệp giải tán.

    Phóng sự ngày 24/04 của thông tín viên Loubna Anaki gửi về từ đại học Combia, New York, một trung tâm của phong trào:

    ‘‘Đại học Colombia đồng lõa với diệt chủng’’, các sinh viên trường đại học nổi tiếng của thành phố New York hô vang. Các sinh viên này chống lại cuộc chiến tranh tại Gaza, và yêu cầu đình chỉ các chương trình trao đổi giữa Đại học Colombia với Israel.

    Để tiếng nói của họ được chú ý, các sinh viên quyết định chiếm lĩnh khuôn viên đại học cả ngày lẫn đêm. Một nữ sinh viên giải thích : ‘‘Chúng tôi đã thử bằng mọi cách, biểu tình, thương lượng, đối thoại với ban giám hiệu. Nhưng tất cả đều vô ích. Chúng tôi bắt buộc phải làm mạnh hơn để họ lắng nghe chúng tôi và đáp ứng các đòi hỏi của chúng tôi.’’

    Các sinh viên càng phẫn nộ hơn khi ban giám hiệu đã yêu cầu cảnh sát New York can thiệp để giải tán khuôn viên đại học hồi tuần trước. Khoảng một trăm sinh viên đã bị bắt đêm hôm đó. Một nữ sinh viên khác kể lại : ‘‘Họ đã dùng vũ lực, họ xâm nhập khuôn viên đại học với vũ khí. Chúng tôi hoàn toàn không cảm thấy được an toàn.’’

    Việc cảnh sát can thiệp cũng đã bị một bộ phận lớn giảng viên của trường lên án. Khoảng 400 người đã đến đây, trong lễ phục truyền thống của giảng viên đại học, để chính thức bày tỏ sự ủng hộ các sinh viên của mình.

    Các giảng viên kêu gọi lãnh đạo Đại học Columbia từ chức. Về phần mình, ban giám hiệu viện ra nội quy của trường cũng như các cáo buộc ‘‘bài Do Thái’’ để biện minh cho quyết định yêu cầu cảnh sát can thiệp. Các cáo buộc ‘‘bài Do Thái’’ của ban lãnh đạo nhà trường đã bị các tổ chức sinh viên, trong đó có nhiều hiệp hội sinh viên người Do Thái, bác bỏ’’.

    Vì sao Trump ngả theo phe ủng hộ viện trợ cho Ukraina ?

    Ngày 20/04/2024 sẽ được ghi nhận như là một thời điểm có ý nghĩa lịch sử đối với nước Mỹ, đang lưỡng lự giữa việc khép mình vào ‘‘chủ nghĩa biệt lập’’ Nước Mỹ Trên Hết (Americain first), hay tiếp tục đảm nhiệm vai trò hàng đầu trong khối ‘‘các nước dân chủ’’ trong cuộc đối đầu với các đế chế độc tài. Hạ Viện Hoa Kỳ đã bỏ phiếu thông qua khoản viện trợ 61 tỉ đô la cho Ukraina, sau nửa năm bế tắc kéo dài, do thái độ bất hợp tác của các dân biểu Cộng Hòa trung thành với cựu tổng thống Donald Trump. Vì sao rút cục ông Trump đã chấp nhận ngả theo phe ủng hộ viện trợ cho Ukraina ?

    Thoạt tiên, quyết định này có thể coi là một thất bại của Trump. Tuy nhiên, dù coi đây là một thất bại của cá nhân ông Trump hay không, một điểm chung được nhiều người ghi nhận, đó là ông Trump buộc phải đưa ra quyết định này để tránh cho đảng Cộng Hòa bị chia rẽ tột độ, thậm chí bị tan vỡ, bởi một bộ phận đông đảo nghị sĩ Cộng Hòa, tại Hạ Viện và Thượng Viện ủng hộ viện trợ Ukraina. Theo chuyên gia về lịch sử Mỹ đương đại Olivier Burtin, Đại học Picardie (Pháp), ‘‘Trump hiện đang sa lầy trong vụ xét xử tại New York (vụ xét xử hình sự đầu tiên nhắm vào một cựu tổng thống Mỹ, với cáo buộc che giấu chứng từ các khoản tiền đổi lấy sự im lặng của một nữ diễn viên khiêu dâm về các quan hệ tình ái với bị cáo), khiến ông ta không có thời gian vận động tranh cử…, hoàn toàn không muốn có thêm một cuộc chiến huynh đệ tương tàn mới trong nội bộ đảng Cộng Hòa, sau vụ phế truất chủ tịch Hạ Viện tiền nhiệm thuộc đảng Cộng Hòa hồi năm ngoái’’.

    Sử gia Oliver Burtin nhấn mạnh, với quyết định này trong hiện tại Trump vẫn khẳng định ‘‘tiếp tục là lãnh đạo của đảng Cộng Hòa’’. Ủng hộ viện trợ Ukraina cũng là một thủ đoạn tranh cử của Trump trong bối cảnh tỉ lệ được lòng dân so với đối thủ Joe Biden hiện đang ngang ngửa, 50/50. Để có cơ hội dành chiến thắng, Trump phải thu hút sự ủng hộ của các cử tri độc lập, mà đa số trong số này ủng hộ viện trợ Ukraina, theo chuyên gia Serge Jaumain, Đại học Tự do Bruxelles. Mà nếu Hoa Kỳ không viện trợ tiếp cho Ukraina trong năm nay, có nhiều nguy cơ Kiev sẽ thua trận Một thất bại như vậy có thể để lại hậu quả lớn cho cá nhân cựu tổng thống và đảng Cộng Hòa trong cuộc bầu cử sắp tới.

    Ám ảnh nội chiến: ''Civil War'' lay động cử tri Mỹ ít tháng trước bầu cử

    Nếu như với không ít người Mỹ, cảnh chiến tranh, hỗn loạn tại Ukraina, tại Gaza, tại Haiti… là chuyện quá xa xôi, thì với đạo diễn bộ phim Civil War vừa ra mắt, chiến tranh là tương lai nhãn tiền ngay trong lòng nước Mỹ. Trong bộ phim viễn tưởng của đạo diễn Alex Garland, nội chiến bùng nổ sau khi tổng thống quyết định tại vị thêm nhiệm kỳ thứ ba bất chấp Hiến pháp. Cùng nhiều bang khác của nước Mỹ, Texas và California quyết định liên minh chống lại chính quyền liên bang. Bộ phim viễn tưởng của Alex Garland gợi lên hình ảnh của chính nước Mỹ hiện tại, ít tháng trước cuộc bầu cử tổng thống, với nhiều khả năng cựu tổng thống Donald Trump – người cổ vũ cho cuộc tấn công nhà Quốc Hội Mỹ năm 2021 để đảo ngược kết quả bầu cử - trở lại nắm quyền.

     

    Phim Nội chiến đang thu hút nhiều khán giả nhất trong tuần qua tại Bắc Mỹ. Với The Economist, điều này ắt không lạ. Theo một điều tra năm 2022 được tuần báo Anh dẫn lại, có đến 40% dân Mỹ cho rằng trong thập niên tới, có nhiều khả năng một cuộc nội chiến thứ hai sẽ bùng nổ tại Mỹ.

    Đối với báo Pháp Les Echos, những ai xem Civil War không thể không nhớ đến hình ảnh ‘‘đám đông giận dữ và cuồng loạn vì thù hận’’ tấn công Quốc Hội Mỹ, và ‘‘nhà điện ảnh người Anh chỉ mở rộng’’ tầm mức của vụ tấn công nhà Quốc Hội Mỹ ngày 06/01/2021, với 5 người thiệt mạng, ‘‘sang một quy mô lớn hơn rất nhiều’’, ‘‘cứ như thể cái ngày mùa đông gây bàng hoàng cách nay hơn ba năm là dấu hiệu báo trước cho một đại cuồng phong tàn khốc chưa từng có’’.

    Civil War cũng là một bộ phim vinh danh nghề phóng viên. Các nhân vật chính trong phim là nhà báo chiến trường, hết mình cho hai sứ mạng, ‘‘truyền thông tin đến công chúng đương thời và là chứng nhân giúp cho hậu thế’’, và như vậy, khi ‘‘chìm sâu trong nỗi tuyệt vọng của hiện tại, các nhà báo cũng đồng thời chuẩn bị cho tương lai’’. Trong Nội Chiến, ‘‘thế giới sụp đổ một cách kinh hoàng, nhưng cũng chính từ tro bụi mà nẩy mầm một thế hệ mới, với ánh bình minh le lói của tái thiết và hy vọng tương lai’’. Khán giả coi phim ắt sẽ thấm thía hơn về ý nghĩa của lá phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ đầu tháng 11/2024.

    Theo truyền thông Mỹ, phiên thảo luận đầu tiên của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ ngày 25/04, về yêu cầu truy tố hình sự cựu tổng thống, của công tố viên đặc biệt Jack Smith, do vai trò của Donald Trump trong vụ bạo loạn tại Quốc Hội Mỹ, để ngỏ khả năng phiên tòa sẽ chỉ diễn ra sau cuộc bầu cử. Nếu tái đắc cử, Trump có khả năng ra lệnh cho bộ Tư Pháp đình chỉ vụ án, hoặc nếu bị kết án, tổng thống ‘‘sẽ có thể tự ân xá’’. Thẩm phán Tòa án Tối cao, Ketanji Brown Jackson, đặt câu hỏi : ‘‘Nếu không bị đe dọa truy tố hình sự, điều gì sẽ cản được tổng thống làm bất cứ điều gì ông muốn… và biến văn phòng tổng thống thành căn cứ địa cho các hành động tội phạm tại quốc gia này ?’’

    Sat, 27 Apr 2024
  • 102 - Trả đũa Iran : Israel nhắm đến cơ sở hạt nhân ?

    Trả đũa Iran : Israel nhắm đến cơ sở hạt nhân ? ; Bị hạ oanh tạc cơ Tupolev 22, Nga mất một lá bài để oanh kích ồ ạt Ukraina ; Tăng trưởng quý 1 của Trung Quốc tăng nhưng cường quốc châu Á vẫn hụt hơi ; Ứng viên tổng thống Mỹ Donal Trump không bị bỏ rơi dù phải hầu tòa ; 50.000 người Ấn Độ hàng ngày vẫn trầm mình trong dòng sông Hằng ô nhiễm. Trên đây là một số chủ đề của Tạp chí Thế giới Đó đây tuần này.

    Trả đũa Iran : Israel nhắm đến cơ sở hạt nhân ?

    Israel khẳng định đã “chốt” kế hoạch trả đũa Iran sau vụ huy động hơn 300 tên lửa và drone tấn công Nhà nước Do Thái. Ngày 19/04/2024, nhiều vụ nổ đã xảy ra ở Ispahan, miền trung Iran, nơi có cơ sở hạt nhân Natanz. Theo cơ quan thông tấn Iran Tasnim, cơ sở “hoàn toàn an toàn”. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (AIEA) xác nhận “không có bất kỳ thiệt hại nào” tại các khu hạt nhân, đồng thời kêu gọi kiềm chế.

    Một số quan chức cấp cao Mỹ cho rằng các vụ nổ là đòn trả đũa của Israel, nhưng được tiến hành trực tiếp từ lãnh thổ Iran. Tấn công vào các cơ sở hạt nhân ở Iran là một trong ba khả năng trả đũa của Israel được giới chuyên gia nêu lên trước đó vì Nhà nước Do Thái không muốn Iran có bom nguyên tử.

    Tính đến cuối tháng 02/2024, khối lượng uranium được Iran làm giàu đã cao gấp 27 lần mức cho phép, được ấn định trong thỏa thuận Vienna (JCPOA) năm 2015, theo báo cáo mới nhất của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế. Kể từ khi tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận, Iran tiếp tục chương trình làm giàu uranium. Trả lời đài RFI ngày 19/04, nhà nghiên cứu Heloïse Fayet, Viện Quan hệ Quốc tế Pháp - IFRI, cho biết :

    “Chương trình hạt nhân của Iran nằm giữa hai điểm, không hẳn là quân sự nhưng cũng không hoàn toàn là dân sự. Nhưng có thể nói rằng Iran là“Quốc gia ở ngưỡng” hạt nhân, có nghĩa là nếu có một quyết định chính trị được ban hành về phát triển vũ khí hạt nhân, họ có năng lực công nghệ để tiến hành.

    Nhìn chung, các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với chương trình hạt nhân Iran hoặc của Liên Hiệp Châu Âu đối với việc Iran xuất khẩu vũ khí cho Nga... đều thiếu hiệu quả, theo nhận định của nhà nghiên cứu Heloïse Fayet :

    “Iran bị Mỹ trừng phạt về chương trình hạt nhân, còn châu Âu nhắm vào việc Iran xuất khẩu vũ khí cho Nga vì Teheran bán drone cho Matxcơva và có thể là cả tên lửa đạn đạo. Vì vậy nhiều doanh nghiệp và cá nhân đã bị nhắm đến. Tuy nhiên, có thể thấy là các biện pháp trừng phạt không phải quá hiệu quả vì Iran tiếp tục làm giàu uranium, tiếp tục sản xuất tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình và drone. Những biện pháp trừng phạt không gây hậu quả cho chính phủ Iran, cũng như cho Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi Giáo vì thị trường “chợ đen” và khả năng lách các biện pháp trừng phạt vẫn rất lớn. Vụ tấn công của Iran nhắm vào Israel ngày 13/04 là bằng chứng rõ nhất cho thấy những chiến lược gây sức ép tối đa do ông Donald Trump áp đặt, hiện giờ vẫn được tiếp tục phần nào, không đem lại hiệu quả”.

    Bị bắn hạ oanh tạc cơ Tu-22, Nga mất một lá bài để oanh kích ồ ạt Ukraina

    Một phi công của Nga bị thiệt mạng khi oanh tạc cơ Tupolev 22M3 bị rơi. Ngày 19/04, Matxcơva và Kiev đưa ra hai phát biểu khác nhau. Nga cho là do “sự cố kỹ thuật” còn Ukraina khẳng định chiến đấu cơ Nga đã bị bắn hạ. Oanh tạc cơ Tu-22M3 mang tên lửa tầm xa là thủ phạm các vụ bắn phá thành phố, làng mạc Ukraina.

    Trả lời đài RFI ngày 19/04, chuyên gia về địa-chính trị Ulrich Bounat, nhà nghiên cứu liên kết tại Open Diplomacy, nhận định đây là một thắng lợi mang ý nghĩa biểu tượng cho Ukraina :

    Bắn hạ loại chiến đấu cơ này, dù gì đó cũng chỉ là một trong số khoảng 40 chiến đấu cơ loại này, nhưng đúng, đó là loại máy bay đã được Nga sử dụng để thả bom, như vụ xảy ra sáng nay (19/04), trong đó có những loại bom rất lớn, rồi mang theo tên lửa Kh-22, ban đầu là tên lửa chống hạm nặng đến 1 tấn. Nhưng chính những tên lửa này lại được Nga sử dụng tấn công thành phố Dnipro và nhà ga xe lửa vào sáng nay (19/04). Nếu Ukraina bắt đầu bắn hạ được chiến đấu cơ Tu-22 mang được bom đạn cỡ lớn, việc đó buộc Nga phải xem lại cách oanh kích, như sử dụng tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo, drone... Nhưng tôi cho rằng thiệt hại này khiến Nga mất đi một lá bài trong chiến dịch oanh kích ồ ạt các thành phố và công trình hạ tầng của Ukraina.

    TrungQuốc : Tăng trưởng quý I tăng nhưng cường quốcchâu Á vẫnhụt hơi

    Tăng trưởng quý I/2024 của Trung Quốc khả quan hơn dự báo, tăng 5,3% so với mức “khoảng 5%”. Tuy nhiên, ngày 16/04, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế cảnh báo nguy cơ “hụt hơi” trong quá trình phục hồi kinh tế của Trung Quốc do cuộc khủng hoảng nhà ở và tiếp tục duy dự báo tăng trưởng ở mức 4,6% trong năm 2024, thấp hơn so với mục tiêu được Bắc Kinh đề ra “khoảng 5%”. Con số này cũng thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng thần kỳ mà Trung Quốc đạt được trong những thập niên gần đây, trừ giai đoạn Covid-19.

    Trả lời đài RFI ngày 16/04, chuyên gia Marc Julienne, giám đốc Trung tâm châu Á, Viện Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế Pháp - IFRI, cho rằng “nền kinh tế Trung Quốc rất đánglongại”.

    “Tôi nghĩ rằng Trung Quốc đang ở trongtìnhthế đánglongại. Nền kinh tế Trung Quốc dựa vào hai trụ cột rất quan trọng từ 30 năm nay. Trụ cột thứ nhất là sản xuất công nghiệp, gia công và xuất khẩu. Trụ cột thứ hai là bất động sản. Từng chiếm đến 1/4 GDP của Trung Quốc, ngành bất động sản hiện chững lại hoàn toàn. Cònvềvấn đề xuất khẩu, do nhu cầu thế giới giảm, hàng xuất khẩu của Trung Quốc cũng bị chậm lại đáng kể trong những năm gần đây.

    Lĩnh vực kinh tế cũng bị trì trệ. Chúng tôi thấy có sự thoái vốn đầu tư vào Trung Quốc trong quý III/2023. Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc lần đầu tiên bị âm sau khoảng 30 năm bởi vì môi trường kinh doanh ở Trung Quốc đã xấu đi từ vài năm nay và xu hướng này vẫn tiếp tục trong khi không thấy bất kỳ cải cách nào có thể thu hút các công ty nước ngoài đến đầu tư vào Trung Quốc”.

    Mỹ : Trump không bị bỏ rơi dù phải hầu tòa

    Đúng cao điểm vận động tranh cử, ông Donald Trump phải ra hầu tòa từ ngày 15/04. Ông Trump là cựu tổng thống Mỹ đầu tiên đối mặt với tố tụng hình sự. Vụ “Stormy Daniels”, được đặt theo tên của nữ diễn viên khiêu dâm mà cựu tổng thống bị cáo buộc đã mua chuộc im lặng của bà cho chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016, sau đó ngụy trang số tiền thành chi phí tranh cử. Ứng viên đảng Cộng Hòa coi đây là phiên tòa chính trị nhằm ngăn cản ông trở lại Nhà Trắng.

    Vụ kiện chưa chắc đã ảnh hưởng đến chiến dịch tranh cử và sự ủng hộ của những cử tri truyền thống của nhà tỉ phú. Trả lời đài RFI ngày 15/04, chuyên gia về Hoa Kỳ Romual Sciora, nhà nghiên cứu cộng tác tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược - IRIS, giải thích :

    “Chúng ta có thể thấy một số thành viên Hội thánh Phúc âm sẽ hơi bị sốc chẳng hạn hoặc bớt nhiệt tình với ông Trump khi kết thúc phiên tòa này, bất luận kết quả thế nào. Nhưng chúng ta đừng quên rằng đối với các phong trào truyền giáo Phúc âm, ông Trump thực sự là người được Chúa chọn và do đó phải tha thứ cho những lỗi lầm của ông vì ông là sứ giả của Chúa để khôi phục nước Mỹ trở lại sự vĩ đại ban đầu. Cho nên, theo tôi, kết quả của vụ Stormy Daniels sẽ không gây tác động về cuộc bầu cử tháng 11 đến nhữngthành phầncử tri này”.

    Ấn Độ : 50.000 ngườihàng ngàyvẫn trầm mình trong dòng sông Hằng ô nhiễm

    Từ ngày 19/04, gần một tỷ cử tri Ấn Độ đi bỏ phiếu bầu Quốc Hội và ông Narendra Modi có thể sẽ tiếp tục giữ thêm một nhiệm kỳ thủ tướng. Nhưng lời hứa làm sạch dòng sông Hằng (Ganges) linh thiên được đưa ra từ đợt tranh cử lần trước vẫn chưa được thực hiện. Năm 2018, nước sông bị ô nhiễm cao gấp 3.000 lần ngưỡng tiêu chuẩn của Tổ Chức Y Tế Thế Giới.

    Hàng ngày, chừng 3 tỉ lít nước thải đổ thẳng ra dòng sông vẫn có khoảng 50.000 người xuống tắm, theo ghi nhận trong phóng sự ngày 17/04 của đặc phái viên RFI Cléa Broadhurst tại Benares (Varanasi), bang Uttar Pradesh, cứ địa quan trọng của thủ tướng Narendra Modi :

    “Tẩy uế dòng sông Hằng là lời hứa từ lâu của ông Narendra Modi. Nhưng hiện giờ, tiến sĩVishwambhar Nath Mishra, Viện Công nghệ Benares, cho rằng hiện trạng dòng sông còn kinh khủng hơn cách đây 10 năm. Ông phẫn nộ : “Nhiều người xuống tắm vì kính trọng. Một số khác thì uống nước sông chứa đầy phân. Chị thấy chấp nhận được không ? Việc này dẫn đến các bệnh về da, dịch tả, tiêu chảy”.

    Theo ông, vẫn có thể tẩy rửa được dòng sông nếu thực sự triển khai mọi phương tiện, nguồn lực được dành cho việc này : “Cần phải chặn nguồn xả nước xú uế ra sông, tiếp theo là chuyển hướng chảy trước khi nước ra sông và xử lý nước thải cho đến khi có thể tái sử dụng. Họ đã không triển khai đúng quy trình hệ thống này”.

    Đối với một số đông người vẫn quen đến tắm hàng ngày, như Prateek, họ không quan tâm đến mức độ sạch của nước sông Hằng. Ông nói : “Đối với chúng tôi, không cần biết nước có sạch hay không. Chúng tôi tôn thờ sông Hằng, như một người mẹ. Tắm trong dòng nước thánh là một trải nghiệm hoàn toàn khác. Chúng tôi vẫn tắm và không sợ gì cả”.

    Hàng ngày có khoảng 50.000 người đến ngụp lặn trong dòng sông linh thiêng nhất Ấn Độ”.

    Sat, 20 Apr 2024
  • 101 - Nga: Những người lính chiến đấu ở Ukraina được tôn vinh là anh hùng

    Nga cấp thêm đãi ngộ đặc biệt cho lính đi chiến đấu ở Ukraina; Hơn nửa triệu trẻ em không được đến trường ở Gaza; Pháp thử nghiệm công nghệ giám sát an ninh bằng camera tích hợp thuật toán trong kỳ Thế Vận Hội; Dịch bệnh sốt xuất huyết ở Nam Mỹ. 

    Tại Nga, trong tuần vừa qua, các phương tiện truyền thông Nga tiết lộ rằng những người tham gia vào chiến tranh Ukraina kể từ nay sẽ nhận được đãi ngộ đặc biệt khi đi máy bay, bên cạnh nhiều ưu tiên khác được đưa ra từ đầu cuộc chiến. Ở Nga, những người lính đi chiến đấu ở Ukraina được coi là anh hùng. Từ Matxcơva, thông tín viên Anissa el Jabri giải thích thêm :

    « Ngày càng có nhiều người mặc quân phục tại các sân bay của Nga. Họ là quân nhân hoặc các tình nguyện viên  đi nghỉ hoặc chuẩn bị đến các vùng chiến sự ở Ukraina. Có người kín tiếng, người thì cởi mở nói chuyện, họ đều biết là mình đang được hưởng những lợi ích nào, chẳng hạn như theo yêu cầu của chính phủ Nga, Cơ quan hàng không liên bang gửi công văn ghi rõ họ được hưởng dịch vụ ưu tiên.

    Cụ thể là họ không cần xếp hàng khi làm thủ tục đăng ký và gửi hành lý, và có thể làm thủ tục kiểm tra an ninh trước tất cả mọi người hoặc được đăng ký đi một chuyến bay khác trong trường hợp chuyến bay của họ bị trễ hoặc bị hủy.

    Các nhân viên cũng được yêu cầu xếp những ghế ngồi thoải mái nhất cho tất cả những ai mặc đồng phục, đặc biệt chú ý đến những hành khách này.

    Cơ quan hàng không liên bang đã yêu cầu các công ty hàng không « có những trao đổi phù hợp với các nhân viên tại các sân bay và các phi hành đoàn ». Có thể nói rằng tất cả những đãi ngộ đặc biệt này được đưa ra sau nhiều sự cố, một số trường hợp không có gì đáng nói cả, nhưng một số trường hợp khác thì lại có vẻ nghiêm trọng, cho thấy bầu không khí hiện nay, ví dụ trường hợp của một binh lính trở về từ Ukraina, bị cáo buộc hút thuốc trong nhà vệ sinh của máy bay. Theo thủ tục thông thường, người này đã bị trục xuất khỏi máy bay và bị cảnh sát phạt. Trong bối cảnh nước Nga hiện nay, đây là một sai lầm nghiêm trọng trong cách xử lý. Vụ việc đã được trình lên lãnh đạo cao nhất của Ủy ban điều tra, Alexandre Bastrykine, thường chỉ quan tâm đến những vụ việc  lớn, chẳng hạn như vụ khủng bố tại nhà hát Crocus ở Matxcơva. Alexandre Bastrykine đã ra lệnh mở cuộc tố tụng hình sự đối với những người đã trục xuất người lính đó ra khỏi máy bay.

    Phản ứng này, nói chung là những khuyến nghị này minh họa cho những gì đang xảy ra ở Nga từ nhiều tháng qua. Một khế ước xã hội đã được điều chỉnh : tôn vinh hùng người lính chiến đấu ở Ukraina như là những anh hùng. Theo chính quyền Nga, đó là những anh hùng mà xã hội Nga phải tỏ lòng tôn kính, ngay cả trong những khoẳng khắc đời thường nhất, dù họ có những hành động, cử chỉ nào đi chăng nữa.”

    Tại Nga, con cái của những người lính đi chiến đầu ở Ukraina cũng nhận được nhiều đãi ngộ đặc biệt, chẳng hạn như có chỗ ưu tiên tại các trường đại học, ngay cả tại những trường danh giá. Hồi đầu tháng này, 02/04, Quốc Hội Nga đã thông qua một luật cấm sa thải những người trở thành góa phụ do chiến tranh Ukraina, vào năm mà họ mất chồng. Trước đó, lệnh cấm chỉ liên quan đến những phụ nữ có con nhỏ dưới 3 tuổi hoặc mẹ đơn thân có con dưới 14 tuổi, hoặc con bị khuyết tật dưới 18 tuổi.

    Hơn 600 000 trẻ không được đến trường từ khi chiến tranh nổ ra

    Liên quan đến cuộc chiến ở Gaza, sau 6 tháng chiến tranh, các cuộc đàm phán giữa Israel và Hamas vẫn bế tắc. Quốc tế vẫn tiếp tục thúc giục Israel mở cửa cho phép chuyển nhiều viện trợ vào Gaza, nơi mà những người Palestine đang cận kề nạn đói. Chính quyền Hamas thường xuyên cập nhật số liệu về thương vong và thiệt hại ở dải đất hơn 2 triệu dân. Israel đã rút quân ở một số khu vực nhưng vẫn tiếp tục các chiến dịch tấn công nhằm tiêu diệt Hamas. Kể từ đầu cuộc chiến cho đến nay, theo UNICEF, khoảng 635 000 trẻ em trong độ tuổi đến trường không được đến lợp một buổi nào.

    Thông tín viên Rami Al Meghari từ Gaza và Sami Boukhelifa, từ Jerusalem, cho biết thêm thông tin :

     Tại dải Gaza, hiện gần như chỉ còn toàn đống đổ nát. 300 trường học, dù là trường trung học, đại học đều không còn hoạt động. Các cơ sở giáo dục đã bị phá hủy hoặc trở thành nơi lánh nạn của người dân. Line năm nay 12 tuổi. Ngày cuối cùng cô đến trường là từ tháng 10 năm ngoái, hồi đầu cuộc chiến. Cô bé nói : ‘Cháu nhớ trường lớp. Cháu muốn quay trở lại trường và gặp lại bạn bè, giáo viên. Cháu nhớ cảm giác được cầm bút và có thể viết, nhớ lúc mở sách ra và đọc. Cháu cũng rất muốn có thể làm những điều như vậy’. Bên cạnh Line là anh trai của cô, Saleh, một học sinh trung học. Saleh cho biết : ‘Trước kia, chúng tôi có thể sống đúng nghĩa. Chúng tôi có một căn nhà, chúng tôi không thiếu thốn gì. Nhưng nay, chúng tôi sống dưới một căn lều, thay vì đến trường, đi học, để có tương lai, chúng tôi dành thời gian hàng ngày để dọn dẹp, đi các chặng đường dài vác các bình nước, để có nước uống. Chúng tôi đã mất tất cả. Ở đây, mọi thứ đã bị phá hủy’Tại Gaza, theo UNICEFF, 300 cơ sở giáo dục, tương đương với 92 % không còn hoạt động được nữa.”

    Pháp thử nghiệm công nghệ giám sát an ninh tại Thế Vận Hội

    Về thời sự nước Pháp, gần 100 ngày trước Thế Vận Hội Paris 2024, một báo cáo của Thượng Viện Pháp được công bố hôm thứ Tư, 10/04 vừa qua, chỉ ra rằng Pháp có thể “giành huy chương vàng về an ninh”tại sự kiện này. Theo AFP, đây sẽ là lần đầu tiên Pháp thử nghiệm giám sát video bằng thuật toán (VSA). Được Quốc hội Pháp chấp thuận vào năm ngoái, các camera đặc biệt này được tích hợp phần mềm phân tích hình ảnh. Không chỉ giám sát về giao thông, tại khu vực công cộng, nhà ga mà loại công nghệ này cũng có thể cho phép xác định các đợt bùng phát hỏa hoạn, sự di chuyển của đám đông, đồ thất lạc, hoặc sự hiện diện của phương tiện hoặc người trong khu vực cấm…

    Hiện vẫn chưa rõ Paris sẽ lắp đặt bao nhiêu camera nhưng việc triển khai công nghệ này bị chỉ trích mạnh mẽ bởi các hiệp hội bảo vệ quyền tự do cá nhân, đặc biệt là với khả năng “nhận dạng khuôn mặt”, theo Katia Roux, nhà hoạt động tại Tổ chức Ân xá Quốc tế Pháp, được AFP trích dẫn. Bà Katia cũng nhấn mạnh rằng “không có các đánh giá độc lập, minh bạch, chỉ ra hiệu quả của các loại công nghệ như vậy trong việc giảm tội phạm hay chống khủng bố”. Bà nhắc lại rằng Thế Vận Hội 2012 ở Luân Đôn, ban tổ chức cũng đã triển khai các công nghệ giám sát, có cả nhận diện khuôn mặt, và sau sự kiện, các loại công nghệ này vẫn ở đó.

    Về phần mình, bộ Nội Vụ Pháp khẳng định rằng các công ty phụ trách lắp đặt, triển khai loại công nghệ này đều không nêu ra khả năng nhận diện khuôn mặt hay biển số xe…

    Dịch sốt xuất huyết lan rộng ở châu Mỹ

    Về thời sự châu Mỹ, gần đây, nhiều nước Nam Mỹ như Brazil, Paraguay hay Achentina, theo AFP, đang phải đối mặt với dịch sốt xuất huyết trầm trọng, Trong vòng 3 tháng đầu năm, các cơ quan y tế tại khu vực đã ghi nhận 3,5 triệu ca nhiễm, hàng ngàn người tử vong do loại virus lây truyền qua vết đốt của muỗi mang mầm bệnh. Trong một báo cáo hồi đầu tháng Tư, Tổ chức Y tế Liên Mỹ đã kêu gọi các nước trong khu vực có hành động tập thể, cùng diệt trùng, xử lý các nơi muỗi sinh sản, tăng cường năng lực của các dịch vụ y tế, để chẩn đoán sớm và điều trị nhanh chóng, đồng thời giáo dục công chúng cách phòng ngừa và xác định các triệu chứng.

    Tại Achentina, mùa hè nóng bức ẩm ướt là điều kiện lý tưởng cho muỗi phát triển. Đợt bùng phát dịch sốt xuất huyết năm nay được cho là“kỷ lục”, với hơn 230 000 người nhiễm bệnh. Quốc gia Nam Mỹ này cũng phải đối mặt với tình trạng thiếu các sản phẩm diệt muỗi, chống muỗi. Chính phủ của Javier Milei ngày càng nhận nhiều chỉ trích vì thiếu hành động chống dịch.

    Từ thủ đô Buenos Aires, thông tín viên Théo Conscience tường trình :

    “Trên cửa kính của một hiệu thuốc tại trung tâm Buenos Aires, một tấm biểu được treo lên ghi bằng chữ in hoa : “Ở đây không có thuốc chống muỗi”. Dược sĩ tại hiệu thuốc giải thích : “Chúng tôi không có bởi vì không có cách nào để nhập được hàng. Chúng tôi làm việc với ba nhà cung cấp nhưng cả ba đều không có hàng từ hơn một tháng qua”. Ông Eloy Garnica quản lý hiệu thuốc này, bày tỏ bất bình trước sự thụ động của chính phủ khi phải đối mặt với dịch sốt xuất huyết đang hoành hành hiện nay, thiếu các chương trình phòng ngừa. Ông nói : “Chúng tôi không có bất cứ thông tin nào. Hôm trước, tôi nghe bộ trưởng Y Tế phát biểu, phải nói rằng tôi thấy rất xấu hổ vì những gì ông ta nói”.

    Vào tuần trước, bộ Y Tế Achentina chỉ đề xuất người dân tránh mặc quần cộc, áo ngắn tay để tự bảo vệ khỏi bị muỗi cắn. Chính phủ cũng dỡ bỏ thuế nhập khẩu thuốc chống muỗi để giải quyết tình trạng thiếu hàng, nhưng đối với cô Sara, hiện đã đi khắp các cửa hàng để tìm thuốc, thì những hành động của chính phủ là chưa đủ. Cô nói : “Đối với tôi, Nhà nước cần phải hiện diện nhiều hơn. Các bệnh viện đã quá tải. Người ta phải đợi 5 tiếng khi đi đến khu cấp cứu và rồi lại bị trả về nhà. Chính phủ không làm gì cả, phải nói rằng họ không quan tâm”.

    Chính phủ Achentina cũng từ chối đưa thuốc của viện nghiên cứu Takeda vào chiến lược tiêm chủng quốc gia, mặc dù loại thuốc này đã được cơ quan y tế phê duyệt và được sử dụng ở Brazil. Trước tình trạng Nhà nước thiếu hành động, nhiều tỉnh của Achentina đã tự mua thuốc và bắt đầu phân phát miễn phí cho người dân.

    Hồng Kông trục xuất đại diện của tổ chức Phóng viên không biên giới

     Nhìn sang châu Á, vài tuần sau khi chính quyền đặc khu hành chính thân Bắc Kinh tăng cường Luật an ninh quốc gia, được cho là để chống lại “các đe dọa từ nước ngoài”, một đại diện của tổ chức Phóng viên Không biên giới đã bị trục xuất khỏi Hồng Kông hôm thứ Tư vừa qua.

    Từ Hồng Kông, thông tín viên Florence de Changy, cho biết thêm thông tin : “Vài phút sau khi Cedric Alviani, phụ trách khu vực châu Á của tổ chức Phóng viên Không biên giới qua khu vực hải quan mà không gặp bất cứ vấn đề gì, thì ông nhận được thông báo bà Aleksandra Bielakowska, mang quốc tịch Bồ Đào Nha, giám đốc của tổ chức phi chính này, đã bị giữ lại. Ông Alvani cho biết : “Tôi nghĩ rằng lý do duy nhất mà bà Aleksandra mà không phải tôi bị nhắm vào là vì bà ấy đến dự phiên xử của Lê Trí Anh (Jimmy Lai) và truyền thông cũng nhắc đến tên của bà.  Tôi cũng không biết luật Hồng Kông ra làm sao, liệu họ có lập một danh sách đen những người không được chào đón và đưa cho hải quan hay không, và yêu cầu phải thông báo với cơ quan an ninh quốc gia nếu gặp vấn đề gì” 

    Sau vài phút kiểm tra kỹ lưỡng và màn thẩm vấn kỹ lưỡng, Aleksandra Bielakowska đã phải ký một văn bản chỉ ra rằng bà ấy đã bị giữ lại tại cửa khẩu, và bị trục xuất, một vài giờ sau đó, bà được đưa trở lại máy bay. Bà nói : “Họ đã đưa tôi trở lại máy bay và đưa giấy tờ của tôi cho phi hành đoàn và bảo rằng tôi không được giữ chúng cho đến khi hạ cánh ở Đài Loan. Trong chuyến bay, phi hành đoàn rất tử tế với tôi, nhưng trước khi lên máy bay, tôi bị đối xử như một tội phạm”. 

    Từ vài năm qua, Hồng Kông đã từ chối nhập cảnh đối với nhiều nhà nghiên cứu (có cả người Pháp), những nhà bảo vệ nhân quyền hoặc ít nhất là một nhà báo Nhật Bản. Chính quyền từ chối giải thích các vụ trục xuất này một cách có hệ thống.”

    Sat, 13 Apr 2024
  • 100 - Chiến tranh Gaza : Joe Biden ra tối hậu thư với đồng minh Israel

    Hoa Kỳ thay đổi lập trường trong cuộc chiến ở Gaza, đặt điều kiện với Israel. Cơ quan tiếp nhận đơn xin bồi thường thiệt hại chiến tranh ở Ukraina chính thức hoạt động. Phiến quân Hồi giáo tấn công lực lượng an ninh ở Iran. Bắc Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo mới. Trên đây là những chủ đề chính trong mục tạp chí Thế giới đó đây tuần này.

    Cuộc chiến giữa Irael và Hamas tại dải Gaza vẫn là chủ đề được chú ý trong tuần qua, đặc biệt là về lập trường của Hoa Kỳ đối với đồng minh Nhà nước Do Thái, ngày càng bị chỉ trích vì các cuộc tấn công đẫm máu ở Gaza.

    Nội dung cuộc điện đàm kéo dài 30 phút giữa tổng thống Joe Biden và thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, theo AFP, được nêu ra một cách « cẩn trọng » trong thông cáo của Nhà Trắng, đề cập đến khả năng « Hoa Kỳ có thể thay đổi chính sách liên quan đến Gaza, tùy theo các quyết định mà Israel đưa ra ngay lập tức ». Joe Biden coi vụ tấn công « không cố ý » của Israel, lấy đi sinh mạng của 7 nhà hoạt động nhân đạo tại tổ chức World Central Kitchen ở Gaza, là « không thể chấp nhận được ». Lãnh đạo Hoa Kỳ cũng yêu cầu Nhà nước Do Thái cho phép nhiều viện trợ nhân đạo có thể tiếp cận Gaza dễ dàng hơn, làm việc với các nhà đàm phán trung gian để trao trả con tin, cũng tìm kiếm thỏa thuận ngừng bắn ngay lập tức. Trước áp lực từ Hoa Kỳ, sáng thứ Sáu, Israel đã thông báo tạm thời cho phép chuyển hàng viện trợ tới Gaza, thông qua cảng Ashdod và cửa khẩu Erez.

    Đây là lần đầu tiên, kể từ khi Israel oanh kích Gaza, sau vụ lực lượng Palestine Hamas tấn công khủng bố, cách nay sáu tháng, Joe Biden đặt điều kiện, « ra tối hậu thư » với đồng minh Israel. Liệu tiếp theo, Biden có tính đến việc đình chỉ việc chuyển giao vũ khí cho Israel hay không ? Báo chí Hoa Kỳ tiết lộ rằng hôm xảy ra vụ tấn công khiến 7 tình nguyện viên nhân đạo bỏ mạng ở Gaza, cũng là ngày mà chính phủ Hoa Kỳ phê duyệt việc chuyển hàng ngàn quả bom cho Israel.

    Theo The Economist, Hoa Kỳ trên thực tế vẫn tiếp tục viện trợ cho Israel ngay cả khi quan hệ giữa Biden và ông Netanyahu trở nên xấu đi. Vào tháng 12 năm ngoái, ông Biden đã lách Quốc Hội để thông qua việc bán đạn pháo xe tăng và các thiết bị khác cho Israel trị giá 107 triệu USD. Martin Quencez, nhà nghiên cứu về quan hệ quốc tế tại German Marshall Fund có trụ sở ở Paris, trả lời RFI Pháp ngữ, cho rằng « Joe Biden bị mắc kẹt giữa việc muốn chỉ trích Benjamin Netanyahu nhiều hơn và cách hành xử của chính phủ Israel và việc phải tiếp tục hỗ trợ một đối tác ở một khu vực nào đó...  ».

    Ông Biden cũng phải chịu áp lực từ những người ủng hộ Palestine, được cho là chiếm số lượng lớn những cử tri có thể bầu cho ông vào cuộc bầu cử sắp tới đối mặt với Donald Trump.

    Cơ chế bồi thường thiệt hại trong chiến tranh Ukraina

    Về chiến tranh Ukraina, kể từ thứ Ba tuần này, ngày 02/04, Cơ quan tiếp nhận đơn đòi bồi thường thiệt hại chiến tranh Ukraina, có trụ sở tại La Haye, Hà Lan,  được thành lập năm 2023 theo quyết định của Hội đồng Toàn châu Âu, chính thức đi vào hoạt động, có thể tiếp nhận các báo cáo, các đơn xin bồi thường thiệt hại do cuộc xâm lược của Nga. Ngay ngày đầu tiên, trong cuộc họp báo sau sự kiện này, ngoại trưởng Ukraina cho biết đã có hàng trăm người nộp đơn xin bồi thường thiệt hại. Cơ quan này dự trù có thể sẽ tiếp nhận khoảng 10 triệu yêu cầu tương tự.

    Từ La Haye, thông tín viên Stéphanie Maupas cho biết thêm :

    « Đây là bước đầu tiên hướng tới việc đền bù (những thiệt hại từ chiến tranh). Người Ukraina được khuyến nghị báo cáo những thiệt hại do chiến tranh gây ra đối với tài sản của họ. Trong tương lai, họ có thể nộp đơn xin bồi thường vì mất người thân, về những thương tích, các vụ bạo lực tình dục, tra tấn hay bị cưỡng bức đưa ra khỏi lãnh thổ Ukraina hoặc các thiệt hại khác do cuộc xâm lược của Nga. Nhà nước Ukraina và các doanh nghiệp của nước này cũng có thể xin bồi thường những tổn thất phải gánh chịu từ đầu cuộc xâm lược của quân đội Nga, 24/02/2022. Tuy nhiên, cần phải thiết lập một cơ chế quốc tế để các quỹ có thể phân bổ bồi thường cho các nạn nhân. Ukraina hy vọng rằng quỹ này sẽ được bổ sung nhờ vào các tài sản tịch thu từ các trừng phạt từ đầu cuộc chiến, nhắm vào Nhà nước Nga và các cá nhân, đặc biệt là từ các tài phiệt Nga.

    Những người tham gia vào cuộc hội nghị này cho rằng các tài sản của Nga đã bị đóng băng sẽ vẫn bị phong tỏa cho đến khi nào Nga chấm dứt cuộc xâm lược Ukraina và bồi thường những thiệt hại đã gây ra. Tuy nhiên, khoản lãi thu được từ các tài sản đóng băng này có thể lên đến hàng tỷ euro mỗi năm và khoản này có thể dùng để bồi thường thiệt hại chiến tranh.

    Hội nghị kết thúc vào tối thứ Ba, bộ trưởng ngoại giao Ukraina Dmytro Kuleba nhắc lại yêu cầu của Kiev về mong muốn thành lập một tòa án đặc biệt để xét xử những thủ phạm chính trong cuộc xâm lược của Nga ».

    Phiến quân Hồi giáo tấn công lực lượng an ninh ở Iran

    Về thời sự Trung Đông, trong tuần vừa qua, hôm 03/04, tại Chabahar và Rask, miền đông nam Iran, các cuộc tấn công của nhóm Hồi giáo cực đoan đã khiến nhiều người thiệt mạng, trong đó có 10 người thuộc lực lượng an ninh của Iran. Thông tín viên Siavosh Ghazi, từ Tehran, cho biết thêm thông tin :

    « Theo quan chức Iran, hơn 20 chục người được trang bị vũ khí, đã tham gia vào cuộc tấn công nhắm vào hai căn cứ của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, một căn cứ Hải quân và một đồn cảnh sát. Tehran đã cáo buộc nhóm phiến quân Jaïsh al-Adl (Quân đội của công lý) theo hệ Hồi giáo Suni, đứng đằng sau các vụ tấn công này.

    Vào tháng 12 năm ngoái, nhóm này đã tấn công một đồn cảnh sát trong vùng, khiến 12 người thiệt mạng thuộc lực lượng an ninh. Iran đã dùng tên lửa, và drone tấn công vào 2 căn cứ của nhóm Jaïsh al-Adl tại Pakistan. Islamabad sau đó đã có hành động trả đũa, vụ việc này đã gây ra căng thẳng giữa hai nước.

    Vụ tấn công hôm thứ Tư, 03/04, là một trong những chiến dịch lớn nhất mà nhóm Jaïsh al-Adl thực hiện tại tỉnh này trong thời gian gần đây. Nhóm phiến quân Hồi giáo này cũng thường xuyên thực hiện các vụ tấn công chống lại lực lượng an ninh tại các khu vực giáp với biên giới Pakistan. Vùng Sistan-Baloutchistan có cộng đồng người theo đạo Hồi Sunni khá đông đảo. Iran cáo buộc Pakistan không có hành động đủ mạnh để chống lại nhóm Jaïsh al-Adl, hiện đang ẩn náu tại nước này. Theo Tehran, nhóm này được hậu thuẫn bởi cơ quan tình báo Hoa Kỳ và Israel, để thực hiện các hành động nhằm gây bất ổn Iran.

    Bắc Triều Tiên lại thử tên lửa mới

    Nhìn sang châu Á, hôm thứ Ba, 02/04 vừa qua, Bắc Triều Tiên thông báo đã bắn thử thành công một tên lửa đạn đạo siêu thanh tầm trung. Loại tên lửa của Bình Nhưỡng, được đặt tên là Hwasong 16-B có gì đặc biệt, liệu có khiến Seoul và đồng minh lo ngại hay không ? Thông tín viên Nicolas Rocca từ thủ đô Hàn Quốc, cho biết thêm thông tin :

    « Sự hiện diện của Kim Jong Un tại một buổi thử nghiệm tên lửa thường hé lộ tầm quan trọng của sự kiện đó ở Bắc Triều Tiên. Các kênh truyền thông của Nhà nước bố trí, dựng cảnh vụ phóng thử tên lửa Hwasong 16-B, một loại tên lửa siêu thanh sử dụng nhiên liệu rắn. Hai đặc tính này có thể làm nhiễu loạn hệ thống phòng thủ chống tên lửa của Mỹ và Hàn Quốc.

    Tên lửa siêu thanh rất khó có thể bắn chặn được vì có tính cơ động cao, trong khi loại nhiên liệu rắn cho phép loại vũ khí này có thể được triển khai nhanh hơn. Theo lãnh đạo Bắc Triều Tiên, cải tiến công nghệ này có nghĩa là tất cả các tên lửa chiến thuật, tác chiến và chiến lược ở các tầm bắn khác nhau của Bình Nhưỡng có thể được trang bị những khả năng này, cùng với một đầu đạn hạn nhân mang tính cơ động.

    Thế nhưng với Bình Nhưỡng, vẫn cần cẩn trọng như thường lệ. Các khả năng của tên lửa mới Hwasong 16-B gây tranh cãi. Seoul và Tokyo ước tính rằng tên lửa đã bay khoảng 600 km, trong khi Bắc Triều Tiên lại khẳng định “tầm bắn giới hạn ở 1000 km vì lý do an toàn ».

    Chất ô nhiễm "vĩnh cửu"

    Về vấn đề môi trường, gần đây loại hóa chất PFAS, được mệnh danh là hóa chất vĩnh cửu vì gần như không thể phá hủy, ngày càng thu hút sự quan tâm của công luận. Hôm thứ Năm, 04/04, Hạ Viện Pháp đã thông qua một dự thảo nhằm cấm sản xuất, nhập khẩu và bán các loại sản phẩm có chứa PFAS tại Pháp, và sẽ có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2026. Do áp lực vận động hành lang, các đồ dùng trong nhà bếp có chứa PFAS, chưa nằm trong danh sách cấm này.

    PFAS là một dạng các phân tử tổng hợp có nguồn gốc từ nhựa, theo AFP, xuất hiện vào những năm 1950 tại Hoa Kỳ. Những phân tử này được tìm thấy trong bao bì, chảo chống dính, sản phẩm tẩy rửa, sơn, thuốc trừ sâu, dầu gội, trong một số loại mỹ phẩm như mascara, trong bọt chữa cháy hoặc thậm chí trong thuốc. « Chất ô nhiễm vĩnh cửu », khi bị tích tụ trong môi trường, làm ô nhiễm đất, sông, không khí, thực phẩm và cả các sinh vật sống, bao gồm cả con người.

    Theo Cơ quan Môi trường Châu Âu, FSPA có thể gây rối loạn nội tiết, gây ung thư, tổn thương gan, các bệnh về tuyến giáp, thúc đẩy béo phì và thậm chí là vô sinh.

    Tại Mỹ, gần đây, nhiều tập đoàn lớn sản xuất chất PFSA như 3M, Chemours, DuPont, Corteva…, đã phải trả khoản bồi thường lớn để tránh các thủ tục tố tụng. Thông tín viên RFI Loubna Anaki cho biết thêm thông tin :

    « Các thỏa thuận đã chiếm nhiều mặt báo tại Hoa Kỳ vào năm ngoái, và đã được tư pháp Hoa Kỳ thông qua gần đây. Các tập đoàn nói trên bị liên can vì sản xuất các sản phẩm có chưa chất ô nhiễm vĩnh cửu, và họ đã chấp thuận chi trả rất nhiều tiền.

    Đầu tiên là tập đoàn 3M, đã cam kết chi từ 10 đến 13 tỷ đô la trong 13 năm tới. Tập đoàn này bị truy tố vì sản xuất một loại bọt nước được dùng trong cứu hỏa, để dập tắt các đám cháy. Hợp chất PFSA có trong loại bọt nước này sau đó đã chảy xuống đất (gây ô nhiễm).

    Khoản tiền mà tập đoàn này phải trả sẽ được dùng để hỗ trợ hệ thống phân phối nước uống công cộng đạt tiêu chuẩn.

    Về phía các tập đoàn như Chemours, DuPont et Corteva, họ sẽ phải trả hơn 1 tỷ đô la vì phải chịu trách nhiệm làm ô nhiễm nước trên khắp nước Mỹ.

    Một nghiên cứu gần đây được thực hiện trên khoảng 700 địa điểm cho thấy 45% nước từ vòi (nước máy), của Mỹ chứa chất ô nhiễm vĩnh cửu. »

     

    Sat, 06 Apr 2024
  • 99 - Nga mượn cớ là nạn nhân ‘‘chiến tranh’’ để ‘‘quân sự hóa’’ toàn dân

    Đối với cuộc xâm lăng Ukraina của Nga, ngày 22/03/2024 có thể là một cái mốc. Điện Kremlin lần đầu tiên sử dụng từ ‘‘chiến tranh’’, từ ngữ vốn bị nghiêm cấm kể từ khi Matxcơva khởi sự cuộc chiến với tên gọi chính thức là ‘‘chiến dịch quân sự đặc biệt’’. Giới quan sát lo ngại đây là dấu hiệu báo trước việc Nga sẽ ban bố lệnh ‘‘tổng động viên’’, huy động thêm quân cho cuộc chiến chống Ukraina.

    Ít giờ sau tuyên bố nói trên, một nhà hát ở ngoại ô thủ đô nước Nga bị tấn công, khiến hơn 140 người chết. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo nhận đứng sau vụ khủng bố nhưng Matxcơva tìm mọi cách đẩy trách nhiệm về phía Ukraina và phương Tây. Ngoại trưởng Ukraina công du New Delhi nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của Ấn Độ. Các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ từ chối nhập khẩu dầu mỏ Nga, do áp lực Mỹ. Giới nhân quyền tại Israel chống lại quyết định của chính phủ nước này cưỡng ép trẻ em Palestine, đang điều trị ung thư ở Jerusalem, trở về địa ngục trần gian ở Gaza. Trên đây là các chủ đề chính của tạp chí Thế giới Đó đây tuần này.

    ***

    Vụ khủng bố kinh hoàng nhắm vào nhà hát Crocus có phần làm lu mờ một diễn biến đáng chú ý khác trước đó ít giờ. Phát ngôn viên điện Kremlin, Dmitri Peskov, nhắc đến việc đất nước ‘‘đang trong tình trạng chiến tranh’ trong hai cuộc trả lời báo giới. Ông Peskov nhấn mạnh, ‘‘về mặt chính thức’’, cuộc chiến tại Ukraina ‘‘vẫn là chiến dịch đặc biệt, nhưng về mặt thực tế, đây đã là một cuộc chiến tranh’’.

    Ngôn từ lắt léo : ‘‘Chiến tranh’’ là phi nghĩa, ‘‘chiến dịch quân sự’’ là chính nghĩa

    Vì sao với Matxcơva, phân biệt ‘‘chiến tranh’’ với ‘‘chiến dịch đặc biệt’’ lại quan trọng ? Từ ‘‘chiến tranh’’ vốn là từ bị cấm dùng để chỉ cuộc xâm lăng. Người phạm luật có thể bị phạt tới 15 năm tù. Tính đến tháng 1/2024 vừa qua, tổng cộng đã có 350 người bị truy tố. Báo chí Pháp tìm cách giải mã những lắt léo về ngôn từ trong các tuyên bố của Matxcơva. Theo Le Figaro, trên thực tế, từ ngữ ‘‘chiến tranh’’ vốn đã được nhiều lãnh đạo cao cấp Nga sử dụng, nhưng không phải là để gọi tên cuộc chiến xâm lăng của Nga chống Ukraina, mà để lên án cuộc chiến của phương Tây chống Nga tại Ukraina.

    Đọc thêm - Nhà báo Pháp : Châu Âu có thể lại bị Putin « xỏ mũi »

    Trong thông điệp Liên bang hôm 29/02/2024, tổng thống Nga Vladimir Putin nói: "chúng ta không gây chiến tại vùng Donbass, nhưng chúng ta nhất định làm tất cả để chấm dứt nó’’. Nói tóm lại, Nga không phải là thủ phạm mà là nạn nhân. Và với Matxcơva, "chiến dịch quân sự đặc biệt’’ là cuộc chiến chính nghĩa trong phạm vi hạn chế để đáp trả cuộc chiến tranh phi nghĩa. 

    Cổ vũ cho ‘‘tình trạng chiến tranh’’ : Nhà cầm quyền rảnh tay hơn

    Vì sao điện Kremlin đưa ra tuyên bố lúc này ? Theo Le Figaro, thông điệp này rõ ràng là hướng đến phương Tây, như lời giải thích của phát ngôn viên Peskov, ‘‘một khi tất cả các nước phương Tây đứng về phía Ukraina, thì đối với chúng ta, đây là một cuộc chiến tranh’’. Tuyên bố của ông Peskov được đưa ra sau khi các nước châu Âu khẳng định đoàn kết sát cánh với Kiev, nước Pháp tuyên bố không loại trừ khả năng phương Tây gửi quân hỗ trợ Ukraina. Điều đáng chú ý là sau tuyên bố của Peskov, người dân Nga chắc chắn vẫn bị cấm sử dụng từ ‘‘chiến tranh’’, nhưng nhà cầm quyền Nga sẽ rảnh tay hơn nhiều trong việc mở rộng tuyên truyền để huy động dân chúng. Phát ngôn ngôn viên nói đến ‘‘chiến tranh’’ là nhằm thuyết phục người dân hành động theo đòi hỏi của chế độ. Phát ngôn viên điện Kremlin huấn thị: ‘‘Mỗi người phải hiểu điều này có ý nghĩa gì để chủ động tham gia’’.

    Đọc thêm - Crimée bị sáp nhập : Sự ra đời của chủ nghĩa đế quốc Nga mới

    Thông điệp của phát ngôn viên Peskov gợi nhắc đến một đợt động viên lớn lần thứ hai (tiếp theo đợt động viên hơn 300.000 người Nga hồi tháng 9/2022). Theo chuyên gia về chiến tranh Ukraina, Huseyn Aliyev, Đại học Glasgow, Anh Quốc, được đài France 24 dẫn lời, ‘‘chiến dịch đặc biệt’’ đồng nghĩa với một cuộc chiến xa xôi, ít ảnh hưởng đến đời sống hàng ngày của dân Nga. Với tuyên bố ‘‘có chiến tranh’’, điện Kremlin rõ ràng muốn lôi cuốn toàn dân Nga vào cuộc.

    Kích động dân Nga thù hận phương Tây : Mưu đồ của điện Kremlin

     Ông Jeff Hawn, trường London School of Economics, nhấn mạnh phát biểu này là ‘‘một giai đoạn quan trọng trong việc xây dựng diễn ngôn tuyên truyền cho cuộc chiến (của Nga) chống phương Tây nói chung, và trong đó Ukraina chỉ là một chiến trường’’. Giới quan sát chú ý đến việc hai ngày trước tuyên bố của Peskov, bộ Quốc Phòng Nga thông báo thành lập hai tập đoàn quân mới, với quân số ước tính 200.000 người.

    Chế độ Putin dường như đã thành công trong việc khiến một bộ phận người Nga tin rằng có bàn tay của Ukraina trong vụ khủng bố. AFP dẫn lời nhà đạo diễn 29 tuổi, Ivan Marnitch, có một người bạn bị khủng bố giết hại, cho rằng ‘‘phải có người Ukraina, có một tài phiệt Ukraina’’ đằng sau những chuyện này. Mẹ của Ivan, bà Elena Marnitch, 65 tuổi, cho rằng kẻ chủ mưu chính là Ukraina, và việc các thủ phạm trực tiếp là dân Trung Á Tadjikistan, chỉ là nhằm để dễ bề quy tội cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo.

    Đọc thêm : Putin nhồi sọ dân Nga về “một Ukraina phát xít” như thế nào ?

    Trong lúc tổng thống Nga liên tục tìm cách để hướng nghi ngờ về việc những kẻ khủng bố có căn cứ tại Ukraina, ngày 26/03, đích thân lãnh đạo cơ quan an ninh Nga FSB, Alexandre Bortnikov, trực tiếp đưa ra phỏng đoán là ‘‘Ukraina và phương Tây’’ đã tạo điều kiện cho vụ khủng bố. Cả lãnh đạo tình báo Nga Nikolai Patrouchev cũng nhấn mạnh thủ phạm ‘‘chắc chắn’’ là Ukraina, cho dù không đưa ra bất cứ bằng chứng nào.

    ‘‘Quân sự hóa toàn dân’’

    Vụ khủng bố nhà hát Crocus có nguy cơ trở thành một tác nhân ‘‘giúp’’ chế độ Putin kích động tình cảm hận thù, kích động người Nga đối đầu với Ukraina và với phương Tây nói chung. Một số nhà quan sát cũng chú ý đến phát biểu của người được mệnh danh là ‘‘bộ não’’ của chế độ Putin, Aleksandr Dugin, đưa ra ít ngày trước tuyên bố đất nước ‘‘có chiến tranh’’, kêu gọi ‘‘quân sự hóa’’ toàn bộ xã hội Nga, từ kinh tế đến giáo dục, tư tưởng, để bảo đảm giành chiến thắng. Quan điểm được hãng tin nhà nước Nga Novosti đăng tải. Không cần đợi đến vụ khủng bố, chế độ Putin đã sẵn sàng cho việc tăng tốc quân sự hóa nước Nga.

    Đọc thêm - Sử gia Françoise Thom: ‘‘Cho đến nay, người Nga vẫn coi nước Nga là một đế chế’’

    Không chỉ ‘‘bộ não’’ của Putin nói đến việc ‘‘quân sự hóa toàn dân’’. Những nhà nghiên cứu làm việc trong các cơ sở nghiên cứu gọi là độc lập ở Nga, như ông Rouslan Poukhov, một chuyên gia về quân sự, trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo Pháp, hôm 29/03, cũng khẳng định truyền thống từ dăm bảy thế kỷ nay của nước Nga, từ Ivan Đại đế cho đến chế độ cộng sản Xô Viết, cũng như nước Nga hiện nay, là ‘‘huy động toàn lực cho chiến tranh nếu cần, về quân sự, kinh tế, cũng như văn hóa’’, ‘‘để đặt đối phương trước lựa chọn, hoặc trả giá vô cùng lớn, hoặc phải chấp nhận thỏa hiệp với Nga’’.

    Vận động hòa bình cho Ukraina : Ấn Độ nỗ lực hơn ?

    Về cuộc chiến xâm lăng Ukraina, có một diễn biến đáng chú ý từ phía Ấn Độ, quốc gia cho đến nay vẫn giữ vị trí ‘‘trung lập’’. Lần thứ hai kể từ đầu chiến tranh, hôm thứ Tư tuần trước 20/03, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi điện đàm với lãnh đạo Nga và lãnh đạo Ukraina trong cùng một ngày. Thủ tướng Ấn Độ nhắc lại với lãnh đạo hai nước là chỉ có con đường đối thoại và ngoại giao mới cho phép chấm dứt chiến tranh.

    Thêm một dấu hiệu cho thấy vai trò gia tăng của Ấn Độ. Ngoại trưởng Ukraina Dmytro Kouleba công du Ấn Độ tuần này. Theo AFP, hôm qua 29/03, sau cuộc gặp giữa ngoại trưởng hai nước, ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar cho biết hai bên đặt mục tiêu thúc đẩy trở lại quan hệ thương mại song phương như thời trước chiến tranh.

    Về cuộc hội kiến này, báo chí Ukraina nhấn mạnh đến thông báo của ngoại trưởng Kouleba về việc hai bên tập trung thảo luận về ‘‘Kế hoạch hòa bình’’ do Ukraina đề xuất. ‘‘Kế hoạch hòa bình’’ của Ukraina được coi là tâm điểm của một hội nghị về hòa bình cho Ukraina, do Thụy Sĩ nhận đăng cai. Theo báo chí Thụy Sĩ hôm 22/03, ngành ngoại giao Thụy Sĩ đang liên tục có các vận động, đặc biệt với các nước phương Nam thuộc nhóm BRICS. Ngoại trưởng Thụy Sĩ Ignazio Cassis cho hay, để bảo đảm thành công, thời điểm tổ chức hội nghị có thể phải hoãn lại, và không loại trừ việc ‘‘tổ chức hai hội nghị’’ riêng rẽ trong giai đoạn quá độ, để có thể thu hẹp khoảng cách giữa các phe. Cho đến nay Nga bác bỏ việc tham gia vào hội nghị hòa bình do Thụy Sĩ tổ chức, Trung Quốc thì kêu gọi để hội nghị hòa bình có kết quả, cần có sự tham gia của Nga.

    Ấn Độ ngừng nhập dầu mỏ từ tập đoàn nhà nước Nga

    Vẫn về chuyến công du Ấn Độ của ngoại trưởng Ukraina, trước chuyến đi này, ông Kouleba đã lên án việc Ấn Độ nhập khẩu dầu mỏ từ Nga là tiếp tay cho cuộc xâm lăng của Ukraina, ‘‘đằng sau mỗi thùng dầu Nga nhập về Ấn Độ là máu của người Ukraina.’’ Trên thực tế, ngay trước chuyến công du Ấn của ngoại trưởng Ukraina, việc nhập khẩu dầu Nga vào Ấn Độ đã bị đình trệ, do lo ngại bị Mỹ trừng phạt. Theo thông tin của nhiều hãng truyền thông quốc tế hôm 25/03, tất cả các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ, bao gồm các công tư nhân và nhà nước, đều đang từ chối nhập dầu thô của Nga qua các phương tiện của tập đoàn vận tải dầu mỏ Sovcomflot. Nhiều tàu chở dầu Nga đang neo đậu ngoài khơi từ nhiều tuần nay.

    Ấn Độ là khách hàng dầu mỏ Nga thứ hai sau Trung Quốc. Hồi năm ngoái, công ty nhà nước Nga Sovcomflot vận chuyển khoảng một phần năm sản lượng dầu thô của Nga sang Ấn Độ. Kể từ giờ, dầu Mỹ sẽ thay cho dầu Nga. Theo Reuters, khoảng 250.000 thùng dầu thô mỗi ngày từ Mỹ dự kiến sẽ đến Ấn Độ vào tháng tới, mức cao nhất từ hơn một năm nay. Theo chuyên gia Janis Kluge, cộng tác viên cấp cao về Đông Âu và khu vực Á-Âu tại Viện An ninh và Quốc tế Đức, Berlin, việc Ấn Độ ngừng nhập dầu từ Sovcomflot cho thấy tác động lớn của các lệnh trừng phạt Mỹ, tuy điều này không giải quyết được nạn Nga bán dầu ra ngoài thông qua ‘‘các đội tàu ma’’, nhưng sẽ buộc Nga phải tăng chi phí vận chuyển cho các hoạt động xuất khẩu.

    Đọc thêm - Dầu hỏa : « Hạm đội ma », cánh tay đắc lực giúp Nga lách trừng phạt quốc tế

    Áp lực gia tăng của Mỹ diễn ra trong bối cảnh 290 tổ chức xã hội dân sự phương Tây và quốc tế, nhân dịp tròn hai năm Nga xâm lược Ukraina, kêu gọi phương Tây ‘‘ngừng tài trợ cho cỗ máy chiến tranh của Nga’’, với việc bịt các lỗ hổng trong hệ thống các trừng phạt nhắm vào hoạt động xuất khẩu dầu khí, nguồn thu chủ yếu của Matxcơva.

    Trẻ Palestine điều trị ung thư bị đe dọa trả về địa ngục trần gian ở Gaza

    Về cuộc chiến tranh tại dải Gaza, truyền thông Pháp đặc biệt chú ý đến số phận của nhiều em nhỏ Palestine, đang điều trị ung thư tại đông Jerusalem, bị chính quyền Israel quyết định trả về vùng lãnh thổ Gaza, đang chìm trong bạo lực và đói khát. Thông tín viên Sami Boukhelifah tường trình từ Jerusalem :

    ‘‘Tại khoa ungbướu nhi, bệnh viện Augusta Victoria ở khu vực đông Jerusalem, có một số trẻ em đến từ Gaza, như Amira 12 tuổi. Em bị liệt nửa người vì u não. Sau nhiều tháng điều trị, xạ trị và phục hồi chức năng, cô bé giờ đây đã đi lại được.

    Bé Amira nói: “em không muốn quay lại Gaza. Em ước gì cha em và chị em đang ở đó có thể rời khỏi Gaza.Và tất cả gia đình sẽ đi nơi khác ... Ở đó họ đang trong nguy hiểm, nhà đã bị bom phá hủy.Tất cảđã biến thành cát bụi, giống như phần còn lại của Gaza. Gaza là quê hương em, nhưng em vẫn cần được chăm sóc ở đây. Em không thể sống trong một căn lều ở đó.Emvẫn đang điều trị ở đây để có thể đi lại và tay em giờ đã hoạt động bình thường.Hãy dừng cuộc chiến này lại!’. Amirabật khóc.

    Ở bên cạnh Amira, người mẹ Imane Sabbagh thừa nhận bà bất lực. Bà nói : ‘‘Tôi vô cùng đau khổ. Đôi khi Amira nói với tôi rằng nó muốn ở lại đây, và đôi khi nó nói nhớ cha và chị gái đến mức sẵn sàng quay trở lại Gaza và chết cùng họ. Tôi chẳng có cách nào cả. Tôi đang nhờ các bác sĩ ở đây giúp đỡ. Lẽ ra tôi phải mạnh mẽ vì con gái mình, nhưng giờ tôi không còn sức lực nữa. Trở lại Gaza ư? Ở đó, tôi thậm chí còn chẳng thế tìm được cho con gái mình một viên thuốc doliprane để giảm đau. Cùng lúc đó, đứa con gái kia của tôi đang ở Gaza thì gọi cho tôi và nói con muốn mẹ về.”

    Giám đốc bệnh viện, bác sĩ Fadi Al Atrach, đang đấu tranh để những đứa trẻ thuộc nhóm 50 bệnh nhân người Gaza, có thể được phép ở lại Jerusalem :Tôi không thể đưa họ trở lại Gaza, đấy sẽ là án tử hình đối với họ. Đó là một khu vực chiến tranh. Ngay cả những người khỏe mạnh cũng không thể sống sót ở đó.”

    Số phận đau thương của các em nhỏ đang chờ quyết định của Tòa án Tối cao Israel chỉ là phần nổi của tảng băng chìm địa ngục trần gian ở dải Gaza, nơi đa số các bệnh viện bị Israel phá hủy, người dân đói khát, và khoảng 10.000 người bị ung thư đang phải sống trong tình cảnh tuyệt vọng.

    Sat, 30 Mar 2024
Show More Episodes